Sức sống trên cánh đồng phèn

31/12/2023 - 08:31

 - Thuở trước, cánh đồng vùng trong Tứ giác Long Xuyên được những lão nông tri điền kỳ cựu đến mở đất, rồi không ít người âm thầm bỏ chạy vì chua phèn. Theo thời gian, đất đai được nông dân khai hoang thành công, lúa vàng trĩu hạt, vùng hẻo lánh khởi sắc.

“Trị phèn” để đất trả ơn người

Men theo con đường đê bê-tông, rồi băng qua những cây cầu treo cao vút, chúng tôi đi tuốt trong cánh đồng bát ngát thuộc huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) xa lắc, xa lơ. Mùa này, bà con nông dân đang tất bật chăm sóc lúa trên đồng để kịp bán cho thương lái. Ghé thăm những “triệu phú nông dân”, ai cũng mừng vui khấp khởi, vì giá lúa đang ở mức cao.

Bận trước, nơi đây là vùng trũng hẻo lánh, ít người lui tới. Những nông dân giàu kinh nghiệm từ khắp nơi đến đây khai hoang, phục hóa, với mong muốn làm giàu trên cánh đồng “cò bay gãy cánh”. Ngờ đâu, đất đai nơi đây “trái tính, trái nết”, rất khó canh tác. Họ mần được một, hai vụ, rồi “bỏ của” chạy tọt về quê. Nhớ về những năm lập nghiệp tại vùng kinh tế mới này, chú Ba Hùng (67 tuổi, ngụ huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) tặc lưỡi: “Gốc gác tôi ở bên TP. Hà Tiên. Hồi trước, tôi vô đây khai hoang được 3 lô (tương đương 60 công ruộng) đã chứng kiến lớp lớp nông dân đến mảnh đất phèn này bỏ đi không lời từ biệt. Những nông dân “nòi” kinh nghiệm “đầy mình” ở miệt Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang lên đây khai hoang cũng bỏ chạy.

Nông dân thu hoạch lúa

Chú Ba Hùng nói rằng, ngày trước người dân vào vùng hoang này chỉ cần đóng 100.000 đồng/công đất cho Lâm trường 422 thì được khai hoang. Vậy mà, ít người mặn mà với nơi “khỉ ho” này. Có người vào đây chỉ vài ngày thấy năn, lác mọc um tùm, chim chuột chạy lào xào cũng bỏ chạy khỏi xứ rốn phèn. Hết người này bỏ đi thì người khác tới. Cứ như vậy, cánh đồng vắng tanh. Anh Hai Gôn (57 tuổi, ngụ TX. Tân Châu) vô vùng đất phèn này hơn 30 năm trước. Ngày ấy, Hai Gôn cùng cha mình giong ghe từ quê lụa Tân Châu vào sâu trong cánh đồng phèn khai hoang, với mong muốn đổi đời. Ban đầu, gia đình Hai Gôn đăng ký khai hoang một lô đất (30 công), toàn cỏ năn mọc um tùm.

“Năn, phèn dữ lắm chú em ơi! Ông già tôi dùng cây phản đánh bật cỏ năn. Để đất bằng phẳng, tôi thuê máy cày chạy trang, trạc đất, tháo phèn mới sạ lúa được. Đất ruộng ở đây khắc nghiệt lắm! Giai đoạn đầu, mạ lên non như cọng giá, rồi chết rụi, vì rễ không bám đất. Có những mảnh ruộng, lúa lên xanh rì. Đến giai đoạn chuẩn bị “ngậm sửa” bỗng dưng chết rạp, mất trắng” - Hai Gôn bồi hồi kể.

Rút kinh nghiệm từ những bậc tiền bối đi trước, gia đình Hai Gôn nghĩ ra cách “trị phèn” rất độc đáo. Trên mảnh đất của mình, Hai Gôn cho máy cày “đánh” mương ngang dọc xổ phèn, rồi mua phân lân Văn Điển về bón lót. Nhờ vậy, phèn hạ từ từ theo những con rãnh chảy ra kênh. Hai Gôn nói rằng, ngày trước những nông dân ở miệt Vĩnh Long qua cũng biết cách hạ phèn, nhưng trước khi canh tác, họ không sử dụng phân lân mà bón vôi.

Tuy nhiên, trong quá trình gặp nắng, vôi sẽ bay hơi, nên “đuổi” phèn không hiệu quả. Hai Gôn là người đi khai hoang sau, canh tác có lợi thế hơn. Bởi, trên mảnh đất được khai hoang rửa phèn lần một, lần hai, rồi bỏ đi. Người sau đến khai hoang tiếp tục, lại bỏ đi… Cứ như vậy, người nào đến sau, vô tình canh tác lúa thành công, do đất được tháo phèn nhiều lần.

“Ba tôi vô đây khai hoang trồng lúa bị lỗ nặng. Gặp người ta là cuốn nóp về quê rồi. Năm đó, gia đình tôi về nhà bán bè cá, gom hết tiền của vào tiếp tục đuổi phèn, trồng lúa. Thật bất ngờ, đất không phụ người, mần lúa trúng 30 giạ/công. Từ đó, nhà tôi duy trì bám đồng, bám ruộng cho tới bây giờ” - Hai Gôn bộc bạch.

Ruộng lúa ngày càng có giá trị

Được thành quả như ngày hôm nay, Hai Gôn cùng những nông dân vùng này luôn ghi nhớ công ơn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một nhà lãnh đạo xuất sắc có công hoạch định chiến lược đào kênh T5 dẫn nước từ con kênh huyền thoại Vĩnh Tế làm ngọt hóa các cánh đồng phèn từ Lạc Quới (huyện Tri Tôn) đến các huyện lân cận thuộc tỉnh Kiên Giang. Con kênh dài 48km này là một trong những tuyến kênh chiến lược vừa dẫn nước ngọt tắm mát ruộng đồng, vừa thoát lũ ra Biển Tây nhanh chóng.

“Năm 1996, nhà cửa thưa thớt, khoảng 1km mới có một láng trại. Nước không có uống phải đợi trời mưa. Mùa khô, tôi chạy ghe lên tận đầu kênh Vĩnh Tế múc nước về sử dụng. Đêm xuống, muỗi kêu như sáo thổi, buồn hắt hiu. Lúc đó, ở đây làm gì có cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tôi phải chạy ghe về tận chợ Tân Châu mua vô canh tác lúa. Mùa nước nổi về ngập lênh láng, năn, tràm bao quanh một vùng rộng lớn. Nhớ lại cảnh xưa ngán ngẫm quá chú ơi!” - Hai Gôn tâm sự.

Cánh đồng rộng lớn ven kênh T5

Năm 1999, kênh T5 hoàn thành “xẻ” xuôi vùng đất phèn dẫn nước ngọt từ kênh Vĩnh Tế vào, bà con vui mừng không tả nổi. Người dân mạnh dạn bơm nước lên ruộng xả phèn. Nông dân canh tác lúa 2 vụ trúng dần theo các năm. Những nông dân cố cựu đến đây vào những năm 90 của thế kỷ trước biết được đất đã cúi đầu phèn chạy, làm lúa trúng vụ mà tiếc hùi hụi.

“Vô trước ba tôi, ông Tư Đấu (75 tuổi, quê ở tỉnh Trà Vinh) đầu tư máy cày, máy bơm nước lên đây khai hoang được 300 công. Do chưa nắm vững kỹ thuật hạ phèn, canh tác lúa không thành công, ông Tư Đấu dỡ trại bỏ đất về quê. Khi hay tin vùng đất này làm lúa trúng dần qua các năm, ông Tư Đấu ôm hận” - Hai Gôn kể lại.

Năm nay, Hai Gôn và những nông dân ở cánh đồng này vui mừng hơn các năm trước. Bởi, ruộng lúa trúng mùa, trúng giá, đời sống khấm khá, nhà cửa khang trang. “Vụ hè thu năm nay, tôi canh tác được 30 công đất, với năng suất đạt 900kg/công, thương lái vào tận ruộng thu mua 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi bỏ túi hơn 100 triệu đồng. Vụ đông xuân này, lúa nhà tôi gần làm đòng, thương lái đặt cọc 9.400 đồng/kg, nhưng gia đình chưa đồng ý” - Hai Gôn vui mừng nói.

Giờ đây, đường sá phẳng phiu, nhà cửa mọc lên khang trang, ông Nguyễn Trung Ngãi (Út Ngãi, 56 tuổi, ngụ xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn), một trong những nông dân “trụ” lại, sản xuất thành công 600 công ruộng ở vùng đồng phèn. Quê gốc của ông Út Ngãi ở thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú) vô vùng phèn này lập nghiệp đã lâu.

Hiện tại, Út Ngãi mạnh dạn đầu tư mua 4 chiếc máy cày, vừa phục vụ sản xuất lúa trên đồng, vừa dùng cày thuê cho nông dân. “Gặp nhiều lô đất xấu lung đìa, gò cao đủ kiểu, chúng tôi phải dùng máy cày trang trạc cho bằng phẳng thì mới canh tác hiệu quả. Vụ hè thu, ruộng lúa nhà tôi đạt năng suất khoảng 10 tấn/ha, bán với giá 8.200 đồng/kg” - Út Ngãi phấn khởi.

Trên vùng rốn phèn thuở nào, bây giờ nhiều nông dân bám đất canh tác vươn lên giàu có. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích đất hàng trăm đến hàng ngàn công, danh tiếng lẫy lừng. “Nhẫm tính sơ sơ, vùng đồng đất này, có từ 1.000 - 2.000 công, như: Hai Bình, ông Kiều, ông Bé Năm… Còn nông dân canh tác ruộng lúa hàng trăm công nhiều vô kể. Nếu như trước đây, những mảnh đất phèn chua này không có giá trị thì nay lên đến 60 - 70 triệu đồng/công” - Út Ngãi cho hay.

Ngày nay, đất đai vùng trong Tứ giác Long Xuyên đã trở thành đất thuộc, nhờ các tuyến kênh T4, T5, T6 dẫn nước ngọt tưới mát ruộng đồng, bà con hăng sai canh tác. Hy vọng, trong tương lai giá lúa duy trì ổn định như hiện nay, nông dân vùng hẻo lánh này sẽ phát triển mạnh hơn.

Từng sinh ra, lớn lên, rồi tham gia cách mạng tại vùng rốn phèn, ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) rất am hiểu nơi đây. Ông Bảy Nhị nói vui: “Thuở nhỏ, nhờ uống nước phèn mà lớn nhanh. Do đó, việc “trị” phèn khỏi vùng trũng này nằm trong tầm tay. Chỉ cần đào kênh dẫn nước ngọt vào thì đuổi được phèn”. Trước đây, vùng này hoang hóa, heo hút ít người ở. Sau đó, Nhà nước có chính sách thu hút dân vào khai hoang mở đất, mỗi người được cấp 3ha. Còn nông dân nào muốn mở rộng diện tích canh tác thì Nhà nước tạm cấp thêm. Với chính sách ưu đãi như vậy, nông dân đến khai hoang lập nghiệp rần rần.

“Khu vực An Giang giáp Kiên Giang có khoảng 9.000ha bị phèn nặng. Tôi với ông Khánh Linh tham mưu chính sách đào kênh T5 được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chấp thuận chủ trương. Năm 1996, con kênh này được khởi công. Sau 3 năm, kênh T5 hoàn thành dẫn nước từ kênh Vĩnh Tế vào, làm ngọt hóa toàn bộ vùng này. Thấy được hiệu quả của kênh T5, Nhà nước cho chủ trương đào tiếp các con kênh T4, T6 để tháo chua, đuổi phèn toàn vùng Tứ giác Long Xuyên” - ông Bảy Nhị nhớ lại.

LƯU MỸ