Tà Đảnh quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

18/06/2020 - 05:17

Trên cơ sở đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) năm 2017, xã Tà Đảnh (Tri Tôn, An Giang) phấn đấu đạt xã NTM nâng cao trong năm 2020. Địa phương xác định nông nghiệp là mũi nhọn kinh tế, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo nền tảng phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp, xây dựng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Tà Đảnh là xã nằm ở cửa ngõ phía Đông của huyện Tri Tôn, giáp ranh với xã Vĩnh An (Châu Thành) và xã Tân Lập (Tịnh Biên), có lợi thế phát triển nông nghiệp rất lớn. Trong tổng diện tích tự nhiên 5.040ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 3.726ha.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tà Đảnh Nguyễn Thanh Hảo cho biết, sau khi được công nhận xã NTM (năm 2017), địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Qua đó, tiếp tục phát huy lợi thế nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đến cuối năm 2019, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn xã đạt 55.100 tấn (tăng 6.100 tấn so năm 2016). Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình đạt 55 triệu đồng/người/năm (năm 2016 đạt 33 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7% (năm 2016 chiếm 7,08%); tỷ lệ lao động qua đào tạọ chiếm 66,2%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,48%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%...

Theo ông Hảo, những năm qua, địa phương đã chú trọng thực hiện khâu đột phá là “tập trung đầu tư quy hoạch lại vùng sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao”. Tổng diện tích sản xuất hàng năm của xã đạt 7.417ha, trong đó có 1.060ha vụ thu đông tại 5 tiểu vùng. Toàn xã hiện có 1.557ha sản xuất lúa giống, đã phát triển được 5 công ty, 1 trang trại và 3 tổ liên kết sản xuất lúa giống. Đến nay, có 100% hộ dân áp dụng cơ giới hóa vào khâu sản xuất và thu hoạch. Đối với hợp tác xã nông nghiệp, chất lượng hoạt động được nâng lên, doanh thu hàng năm đều tăng. Trong nỗ lực xây dựng xã NTM nâng cao vào năm 2020, địa phương đã huy động gần 166,8 tỷ đồng để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó nhân dân đóng góp hơn 20,4 tỷ đồng.

Xã Tà Đảnh huy động tốt các nguồn lực xây dựng cầu nông thôn

Giai đoạn 2015-2020, xã Tà Đảnh đã được đầu tư hơn 116 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trên địa bàn như: làm mới tuyến Tỉnh lộ 941, lộ kênh 10, kênh 11, kênh Làng, với tổng chiều dài 29,84km; rải đá bụi các tuyến giao thông nội đồng, dài 13km; xây dựng mới 13 cây cầu và sửa chữa 1 cầu; xây mới trụ sở Trạm Y tế, Quân sự, Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng xã, Trường THCS Tà Đảnh… Những công trình này đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nâng chất lượng cuộc sống

So mặt bằng của huyện Tri Tôn thì xã Tà Đảnh là địa phương có mức thu nhập bình quân khá, tốc độ giảm nghèo nhanh. Bên cạnh nâng cao đời sống vật chất thì đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục, chăm sóc y tế được quan tâm. Ông Nguyễn Thanh Hảo cho biết, cùng với đầu tư Trạm Y tế đạt chuẩn thì đội ngũ y, bác sĩ, mạng lưới y tế và cộng tác viên cũng hoạt động có hiệu quả, có tổ chẩn trị đông y. Đến nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn xã đạt 95%.

Từ những kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng NTM, rồi xã NTM nâng cao, Tà Đảnh đặt mục tiêu lớn hơn cho giai đoạn tiếp theo. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình đạt ít nhất 80 triệu đồng/năm; có 3 trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, lao động có việc làm 92%; giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm 1,7%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt ít nhất 95%; cơ bản xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường…

Theo ông Hảo, để đạt được những mục tiêu này, Tà Đảnh tiếp tục xác định nông nghiệp là mũi nhọn kinh tế. Xã sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nền tảng để phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý của nhà nước, phát huy dân chủ, khai thác lợi thế và các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội, để phát triển nhanh và bền vững. Trong canh tác, hướng vào sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.

“Địa phương sẽ tạo môi trường thuận lợi để thu hút đông đảo các thành phần kinh tế khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của xã, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt nghị quyết và chương trình hành động của Huyện ủy về tổ chức lại sản xuất và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” - ông Hảo nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN