Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với hợp tác xã

08/09/2022 - 06:50

 - Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được xem là giải pháp trọng tâm nhằm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, hợp tác xã (HTX) là chủ thể không thể thiếu trong liên kết chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của An Giang, đặc biệt là gắn kết với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ.

Phát huy hiệu quả

An Giang là một trong những địa phương ở ĐBSCL sớm chú trọng triển khai mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong đó, vai trò của HTX trong liên kết chuỗi giá trị được phát huy, góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp bền vững.

Trong thực tế triển khai, nhiều mô hình HTX phát huy hiệu quả, như: HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch Châu Thành, HTX thương mại - dịch vụ - du lịch nông nghiệp An Giang, HTX GAP cù lao Giêng, HTX nông nghiệp Tây Bình, HTX thương mại - dịch vụ - du lịch nông nghiệp Khánh Hòa, HTX nông nghiệp An Bình... Các đơn vị chủ động về nhân lực, quan hệ thị trường để giúp thành viên và nông dân địa phương thu hoạch, vận chuyển nông sản; chủ động kết nối với DN, tổ chức, cá nhân giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

ThS Trần Trọng Triết (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang) cho rằng, để liên kết sản phẩm nông nghiệp với DN đi vào chiều sâu, An Giang tập trung hỗ trợ thành lập và nâng cao vai trò của HTX trong xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; đa dạng hình thức liên kết hợp tác giữa DN, HTX và nông dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều HTX kiểu mới, phát triển theo hướng tăng cường liên kết với DN.

Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời kết hợp cùng các sở, ngành, địa phương vận động nông dân cùng hợp tác thành lập mới nhiều HTX nông nghiệp, thành lập Liên hiệp HTX Thoại Sơn và Liên hiệp HTX Tri Tôn trong vùng nguyên liệu của DN. Tập đoàn Lộc Trời cử nhân sự tham gia ban lãnh đạo của các HTX để phụ trách hoạt động kinh doanh, cử đội ngũ “3 cùng” (cùng ăn - cùng ở - cùng làm) phối hợp với hội đồng quản trị HTX hướng dẫn thành viên HTX về kỹ thuật, quy trình canh tác theo hướng hiện đại, khoa học.

Trong khi đó, Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với HTX, tổ hợp tác trên địa bàn trong năm 2022 là 12.000ha, kế hoạch đến năm 2025 đạt 50.000ha. Ngoài diện tích liên kết, Tập đoàn Tân Long tổ chức tiêu thụ sản lượng lúa ổn định cho nông dân trên địa bàn tỉnh khoảng 100.000 tấn/vụ.

Khuynh hướng tất yếu

Chi cục Phát triển nông thôn An Giang cho biết, đến cuối tháng 8/2022, toàn tỉnh có 207 HTX nông nghiệp, 13.028 thành viên tham gia, trong đó có 6 HTX thủy sản, 2 HTX chăn nuôi, còn lại là HTX trong lĩnh vực trồng trọt; 2 liên hiệp HTX nông nghiệp. Nhiều HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Lúa - nếp, rau màu, cây ăn trái, thủy sản, gia súc, gia cầm.

Năm 2021, diện tích lúa thực hiện liên kết và tiêu thụ đạt khoảng 65.307/632.800ha, hoa màu khoảng 7.000/49.200ha, cây ăn trái trên 500ha; sản phẩm thủy sản các loại (cá tra, lươn, ếch, cá lóc) hơn 1.594ha. Đồng thời, liên kết sản xuất và tiêu thụ hơn 1,8 triệu con gia súc và gia cầm (32.800 con heo, khoảng 480.000 con vịt và hơn 1,3 triệu con gà).

Các DN liên kết tiêu thụ tốt trong các năm qua, gồm: Lộc Trời, Angimex-Kitoku, Tấn Vương, Antesco, Chánh Thu, Sao Mai, Vĩnh Hoàn... Trong khi đó, nhiều DN có kế hoạch đầu tư lâu dài tại An Giang, như: Tập đoàn Sunrice, Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn TH, Tập đoàn Tiran, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc, Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú, Công ty Trung Thạnh, Công ty Vương Đình, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, Công ty TNHH nông nghiệp xanh Nam Thắng…

ThS Trần Trọng Triết cho rằng, vai trò của HTX trong liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực ở An Giang đang được phát huy. HTX là chủ thể sản xuất - kinh doanh nông nghiệp; tổ chức được dịch vụ đầu vào, đầu ra của kinh tế hộ nông dân, tập trung tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống xã hội, liên kết, hợp tác giữa người lao động và các tổ chức, nhà khoa học, DN, hình thành vùng nguyên liệu lớn cho DN xuất khẩu.

HTX cũng là chủ thể tham gia chuỗi giá trị, giúp nông dân yên tâm sản xuất, giảm chi phí đầu vào, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”. Gắn kết với HTX, các DN có vùng nguyên liệu, thị trường ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo tiền đề hình thành nguồn cung ứng nông sản lớn, mang tính hàng hóa cao, chất lượng được nâng lên thông qua việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản. Trong chuỗi giá trị, HTX tạo ra giá trị gia tăng, làm tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường cạnh tranh…

“HTX là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa 5 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà nông, nhà ngân hàng; là “mắt xích” quan trọng trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo cho nông nghiệp phát triển bền vững” - ThS Trần Trọng Triết đánh giá.

NGÔ CHUẨN