'Tấm vé' đưa nông sản vươn xa

02/11/2020 - 09:02

Thương hiệu được xem là “tấm vé” giúp nông sản tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Những năm gần đây, Hải Dương chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và nỗ lực để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với nông sản chủ lực.

Nâng tầm thương hiệu nông sản

Chú thích ảnh

Sản phẩm vải Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Đến nay, Hải Dương đã có nhiều nông sản được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: cà rốt Đức Chính - Cẩm Giàng, gà đồi Chí Linh, vải thiều Thanh Hà, na Chí Linh, bưởi đào Thanh Hồng, ổi Liên Mạc, nếp cái hoa vàng Kinh Môn, rau an toàn Gia Lộc, hành tỏi Kinh Môn...

Sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, các sản phẩm tiếp tục được chú trọng sản xuất theo hướng an toàn, khẳng định chất lượng, không chỉ đứng vững trên thị trường trong nước mà một số còn vươn ra thị trường thế giới.

Câu chuyện trái vải và nhãn Hải Dương năm 2020 chinh phục thêm những thị trường có nhiều yêu cầu khắt khe như Nhật Bản là minh chứng sinh động cho thành công trong nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản của Hải Dương.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm 2020, Hải Dương đã xây dựng 23 vùng trồng nhãn, vải với diện tích 220 ha được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu quốc tế. 

“Đến nay, có thể nói, Hải Dương đã làm chủ được quy trình kỹ thuật, đặc biệt là bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật trong sản xuất vải, nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Đây là cơ sở quan trọng khẳng định chất lượng và thương hiệu vải, nhãn của Hải Dương trên thị trường quốc tế, giảm bớt áp lực vào thị trường Trung Quốc”, bà Kiểm chia sẻ.

Chất lượng là khâu then chốt để nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Vì thế, trong những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp an toàn, sản xuất theo quy trình GAP, sản xuất theo hướng hữu cơ được Hải Dương quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 215 mô hình trái cây, rau màu sản xuất theo quy trình VietGAP quy mô 5 ha/vùng trở lên, với tổng diện tích 1.282 ha.

Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cũng đang mang lại những kết quả bước đầu, giúp các địa phương của Hải Dương nâng tầm thương hiệu cho nông sản.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, hiện nay huyện đã có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương đánh giá, xếp hạng. Các sản phẩm gồm: gạo hữu cơ, rươi, cáy. Từ nay đến năm 2025, Tứ Kỳ xác định tiếp tục mở rộng quy mô các sản phẩm OCOP và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực; phát triển các vùng nuôi thủy sản tập trung và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại. 

Trên phạm vi toàn tỉnh, sau hơn một năm triển khai Đề án OCOP, số đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia ngày càng tăng. Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, năm 2019, tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho 13 sản phẩm OCOP; trong đó có 12 sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện cơ quan chuyên môn đang tích cực hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình. Phấn đấu hết năm 2020, tỉnh sẽ có thêm khoảng 70 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam khi nhiều dòng thuế đối với các mặt hàng rau, quả tươi được EU giảm về 0%. Tuy vậy, đây là thị trường khó tính, đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chặt chẽ. Với những nỗ lực về xây dựng thương hiệu, sản xuất theo chuỗi liên kết…, nông sản Hải Dương hứa hẹn sẽ tự tin cạnh tranh với các đối thủ trong quá trình chinh phục thị trường EU và nhiều thị trường khó tính mới.

Thêm nhiều loại nông sản xuất ngoại

Chú thích ảnh

Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản thực phẩm Tân Hương, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng mỗi ngày thu mua, chế biến, xuất khẩu gần 80 tấn cà rốt sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các địa phương chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại cho nông sản. Việc kiểm soát chất lượng nông sản ngày càng được chú trọng. Nhờ đó, ngày càng nhiều nông sản Hải Dương được “xuất ngoại”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, năm 2020, số lượng các doanh nghiệp tham gia thu mua, bao tiêu nông sản tăng hơn so với những năm trước. Đây là kết quả của nỗ lực chủ động kết nối, mời gọi các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản về với địa phương.

Đơn cử, vụ vải năm 2020, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đã đặt nhà máy sơ chế vải tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà. Công ty này đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn xuất khẩu vải, nhãn Hải Dương năm nay.

Cùng đó, Hải Dương cũng có nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản xuất khẩu như: Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng đỏ; Công ty cổ phần Hưng Việt, Công ty Rau, củ, quả an toàn Thanh Hà; Công ty cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương...

Đến nay, nhiều loại nông sản Hải Dương đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia, châu lục với sản lượng năm sau cao hơn năm trước, nhiều loại trái cây lần đầu xuất ngoại.

Đơn cử, năm 2020, sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường khó tính đạt khoảng 1.500 tấn, tăng 1.000 tấn so với năm 2019. Năm 2020 cũng là năm Hải Dương trở thành tỉnh duy nhất của miền Bắc xuất khẩu thành công trái nhãn sang các thị trường Mỹ, Australia và Singapore.

Như vậy, đến nay vải và nhãn Hải Dương đã đến tay người tiêu dùng nhiều nước như: Nhật Bản, Singapore, Australia, Mỹ, Trung Đông, EU, Trung Quốc… Tổng giá trị sản xuất vải, nhãn năm 2020 của Hải Dương đạt khoảng 1.286 tỷ đồng; trong đó riêng vải đạt 1.166 tỷ đồng.

Cùng với vải, nhãn, thị trường xuất khẩu các nông sản chủ lực của tỉnh như hành, tỏi, cà rốt, ổi…, cũng ngày càng vươn xa. Đầu năm 2020, nông dân trồng cà rốt ở Hải Dương đã có một vụ mùa bội thu khi rất nhiều doanh nghiệp đổ về thu mua xuất khẩu cà rốt. Giá bán cà rốt tăng cao gấp đôi so với thời điểm giá cao nhất của năm trước đó. Riêng huyện Cẩm Giàng, có trên 20 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, xuất khẩu cà rốt. Hiện nay, cà rốt Hải Dương đã có mặt ở nhiều thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Trung Đông…

Hiện tại, một số cơ sở sơ chế, chế biến lớn đang tiếp tục được xây dựng tại Cẩm Giàng, đáp ứng nhu cầu bảo quản và xuất khẩu, nâng cao giá trị cho cây cà rốt những năm tiếp theo.

Cũng trong năm 2020, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng đỏ đã thu mua và xuất khẩu 5 tấn ổi Thanh Hà sang Dubai. Một số doanh nghiệp khác cũng đang tìm hiểu, nghiên cứu để đưa trái ổi tiếp cận các thị trường lớn, tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản…

Tháng 10 đang là cao điểm sản xuất vụ Đông năm 2020-2021 của các địa phương trong tỉnh Hải Dương. Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương nhận định, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn có nhiều cơ hội cho nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm cây vụ Đông. Bên cạnh chủ động thị trường trong nước, Hải Dương đang lên kế hoạch để đưa một số loại rau thế mạnh xuất khẩu.

Theo đó, ngành nông nghiệp Hải Dương đã đề nghị các địa phương tập trung cao độ hỗ trợ vùng liên kết, mở rộng diện tích cây vụ Đông, tập trung tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất, tiêu thụ nông sản vụ Đông thông qua hợp đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng có văn bản gửi các địa phương yêu cầu mỗi xã, thị trấn ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết; các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện tối đa cho các công ty, siêu thị, thương lái tổ chức sản xuất, vận chuyển tiêu thụ nông sản vụ Đông cho nông dân. 

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đang xây dựng kế hoạch “Mở rộng vùng sản xuất rau màu đủ tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Australia và các thị trường khó tính trong năm 2021” trình Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện.

Theo MẠNH MINH (Báo Tin Tức)