Tận diệt cá đồng

21/12/2023 - 22:13

 - Theo Chi cục Thủy sản An Giang, tình hình khai thác bằng xung điện vẫn còn diễn ra chủ yếu là ghe cào, xuyệt điện), ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Để trốn tránh cơ quan chức năng họ chuyển sang khai thác cá vào ban đêm, hoặc cuối tuần. Đồng thời, liên lạc cảnh báo với nhau trong quá trình “chích” cá trên đồng. Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân.

Hoạt động khai thác cá bằng xung điện vẫn tồn tại

Từ lâu, việc sử dụng ngư cụ trái phép khi khai thác thủy sản đã bị pháp luật nghiêm cấm. Thế nhưng, vấn nạn này vẫn tồn tại dai dẳng, khiến môi trường sống thủy sản trong tự nhiên bị hủy hoại nặng nề.

 “Chích” cá trên đồng

Mấy ngày qua, nước lũ rút khô đồng, nhiều người ngang nhiên sử dụng xung điện khai thác cá, tôm vô tội vạ. Khi màn đêm buông, trên cánh đồng tối mịt, mặt đất phù sa nhão nhoẹt, nơi nào trũng, cá, cua sẽ rút xuống trú ẩn. Lúc này, người dân đeo chiếc đèn soi nhấp nháy trước trán, “chích” điện bắt cá đem về bán tại chợ. Với cách đánh bắt theo kiểu tận diệt như vậy, rồi đây con cá, con tôm không còn nơi sinh sống!

Chập choạng, chúng tôi thấy ông Trần Văn T. (ven kênh Vĩnh Tế) quảy chiếc bình ắc quy, cặp vợt, lội qua cánh đồng giáp biên xuyệt cá. “Biết rằng vi phạm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, tôi vẫn lén xuyệt điện ban đêm. Lúc này, cá trên đồng rút xuống kênh rất nhiều” - ông T. bày tỏ. Khi chiếc vợt vừa thọt xuống đáy nước, cá lớn, nhỏ nhảy vọt lên, rồi chết phơi bụng. Ông T. chỉ vớt cá lớn, không nhìn đến mớ cá nhỏ. Chiếc vợt thọt tới đâu, cá “ngay đơ” đến đó.

Ngày nay, người dân “chế tạo” dụng cụ xuyệt điện rất đa dạng, tinh vi. Chiếc “xuyệt lạnh” gắn bình ắc quy 100 ampe, đặt dưới vỏ lãi. Chỉ cần rong ruổi trên đồng, dưới kênh, họ bắt được rất nhiều cá. Những loài thủy sản bình thường khó bắt (chạch, lươn, lịch), luôn chui sâu dưới bùn đất trú ẩn, nhưng khi gặp loại xuyệt điện này thì con nào cũng ngoi đầu lên mặt nước.

Ông Mai Văn N. “bật mí”: “Hồi trước, tôi chủ yếu sử dụng “xuyệt nóng” có 2 hoặc 4 “con sò” (thiết bị tăng độ giật khiến cá chết nhanh). Giờ đây xuyệt lạnh gắn thêm 6 - 8 “con sò”, chẳng loài nào chạy thoát. Chỉ cần chống xuồng rảo một vòng, sẽ bắt ráo trọi cá trê, cá lóc, cá chạch, lươn”.

Hôm trước, vào mùa cá ra, đứng trên cầu Tha La (TX. Tịnh Biên), tôi dõi mắt theo những chiếc xuồng chài, mới thấy hết kỹ năng bắt cá “siêu đẳng” của họ. Túi chài được kéo lên, không con nào giãy giụa. Một người chuyên chài cá bằng điện nói: “Chú lạc hậu rồi, bây giờ người nào chài cá mà không sử dụng điện thì xem như làm không công, dính cá bán chẳng đủ kho ăn. Mình không làm, người khác cũng làm. Nếu lỡ bị bắt thì ráp lại cái khác, mau lấy vốn lắm. Lúc trước, tôi chài tay, chỉ được 1 - 2kg cá hủng hỉnh. Giờ, sử dụng điện, bắt dính khoảng 10kg/ngày, bỏ sở hụi, kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng”.

Hiện nay, mực nước trên đồng rút cạn, cá quy tụ về nơi thấp. Người dân dùng xuyệt điện căng mắt “cày” trên đồng cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng, họ chỉ biết lợi ích trước mắt mà không nghĩ rằng, về lâu dài, nguồn lợi thủy sản dần bị tiêu diệt dưới bàn tay của mình. Rồi đây, cá không còn nữa, họ sẽ thất nghiệp, mất thu nhập. Ông Nguyễn Văn Na (lão nông ở vùng đồng phèn Tứ giác Long Xuyên) lắc đầu, tặc lưỡi: “Cánh xuyệt điện cho rằng, cá nhỏ chỉ xỉu chút xíu là tỉnh lại. Nhưng tôi thấy cá chết sạch, không con nào sống nổi khi xung điện càn quét”.

Cào điện tung hoành

Màn đêm buông dài trên kênh Mặc Cần Dưng, những chiếc ghe cào nổ máy phành phạch lướt vô nhánh kênh sâu trong nội đồng. Với thiết bị dynamo công suất lớn, ghe cào đi đến đâu là quét sạch tôm, cá. Chưa hết, lưới, đú của ngư dân cũng bị cuốn. Ông Nguyễn Văn Tùng bức xúc: “Tôi mua 8 tay lưới giăng trên đồng, ghe cào điện kéo mất 4 tay. Chúng tôi bẹo bọc trên cây đài kỹ lắm, vậy mà vẫn mất sạch”.

Mờ sáng, chúng tôi gặp ghe cào, ghe ủi xiệp bằng xung điện vừa cặp bến. Dỡ khoang xuồng lên xúc cá, toàn cá linh, cá chốt được ướp lạnh. Nước giựt, mỗi chiếc ghe cào thu hoạch từ 200 - 300kg cá đủ loại.

“Cá linh thì cân bạn hàng cắt đầu làm mắm. Cá lộn xộn bán làm mồi cá tra, cá lóc bông. Bữa nào xui, bị ngành chức năng kiểm tra thì chịu chứ làm sao bây giờ chú ơi!” - một người cào cá bằng xung điện nói. Mỗi đêm, họ thu nhập gần 1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí công cán, xăng dầu. Bị tịch thu ghe cào, họ sắm chiếc khác khai thác tiếp trên đồng.

Thời điểm này, cánh cào điện làm ăn tất bật. Người nào cũng tranh thủ thu hoạch cá đợt cuối cùng trong năm. Buổi chiều, tại bến sông Hậu, nhiều ghe cào điện cặp bến mang cá lên bán, rồi quay lại sông tiếp tục cào cá. Họ cào tới, cào lui tại đoạn sông này.

Một bạn hàng chuyên bán cá cho hay: “Hơn tháng trước, có đợt ngành chức năng kiểm tra, người đi cào điện hay tin đều tạm nghỉ vài ngày. Sau đó, họ tiếp tục “xuất hành” ra sông tận diệt cá. Cào điện riết cá mắm giảm mạnh rồi! Mấy năm gần đây, cá lưỡi trâu, cá chạch lấu sông ít dần. Những loài cá này sống ở tầng đáy nước, khi ghe cào lướt ngang sẽ bắt sạch”.

Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện không phải là chuyện mới lạ. Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, tịch thu ngư cụ cấm, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó, họ tiếp tục đầu tư cái mới để mưu sinh. Nhiều khi, họ hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật, gây bức xúc đối với người dân. Vấn nạn này cần có giải pháp căn cơ, mới răn đe được người vi phạm.

Theo Chi cục Thủy sản An Giang, tình hình khai thác bằng xung điện vẫn còn diễn ra chủ yếu là ghe cào, xuyệt điện), ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Để trốn tránh cơ quan chức năng họ chuyển sang khai thác cá vào ban đêm, hoặc cuối tuần. Đồng thời, liên lạc cảnh báo với nhau trong quá trình “chích” cá trên đồng. Mới đây, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập đoàn kiểm tra khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân.

HOÀNG MỸ