: Ngày Tết cổ truyền rộn ràng, đầy màu sắc
Bước vào tháng chạp, nỗi nhớ quê xộc lên cay khóe mắt. Qua ngày đưa ông Công ông Táo về trời, mọi người bắt đầu đếm thời gian bằng “lịch ta”, thay cho “lịch tây”: 23 Tết, 24 Tết, 30 Tết... Thứ, ngày, tháng dương lịch chỉ được sử dụng trong lúc vội vã tổng kết công việc, hối hả làm cho xong những gì cần kíp trước kỳ nghỉ dài ngày. Và dù bận bịu công việc đến thế nào đi nữa, người ta vẫn tranh thủ về quê cho kịp bữa cơm cúng rước ông bà. Có gì hạnh phúc bằng việc được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi lưu giữ hình bóng ông bà tổ tiên, để thấy mình là người có cội nguồn!
5 năm trước, cả gia đình anh Võ Văn Thông (40 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) quyết định rời quê. Nghề “ai kêu gì làm đó” chỉ giúp gia đình anh “chống đói”, chứ không “xóa nghèo”. Thiếu vốn liếng, học thức không cao, lại lập gia đình quá sớm, anh cảm thấy cần phải thay đổi môi trường sống mới có thể khác đi. Và một công ty ở Bình Dương là điểm đến của cả gia đình anh. “Dù lương công nhân không cao, nhưng chúng tôi thuê căn phòng nhỏ gần công ty, ăn uống kham khổ, tằn tiện hết mức thì vẫn có dư. Tết đầu tiên xa quê, vợ chồng tôi sắm được chiếc xe gắn máy mới, trong túi có rủng rỉnh tiền cho cha mẹ, sắm sửa quần áo cho 2 đứa con, cả nhà chở nhau đi chơi Tết. Mấy năm sau, cuộc sống vẫn ổn. Mỗi lần về quê, chúng tôi cảm thấy hãnh diện vì đã thoát khỏi cảnh nghèo khó. Cha mẹ, bà con họ hàng đều khen cả nhà chí thú làm ăn. Chỉ có điều, đi xa rồi tôi mới thấy, chẳng ở đâu thoải mái, vui vẻ như ở nhà. Tôi chán bữa cơm ăn qua quýt cho kịp giờ vào ca, thiếu vắng món quê. Vất vả về quê nghỉ ngơi Tết chưa được bao lâu, lại nhóng nhóng chuẩn bị đồ đạc lên đường, đâu còn cảnh thoải mái ăn Tết tới mùng 9, mùng 10 như trước. Trở lại chỗ làm, đối mặt với 4 bức tường chật hẹp, với những ngày làm việc áp lực liên tục, tôi nhớ quê, nhớ mấy ngày Tết vô cùng” - anh Thông bộc bạch.
Tết còn tươi nguyên trên mâm trái cây chưng giữa nhà, trên đóa hoa mai vàng rực trước sân, mà nhiều người đã phải nói lời từ biệt, rời khỏi quê nhà. Ăn Tết vội vã, họ ra đi với nỗi niềm “chưa xa đã nhớ”, với những đặc sản Tết ở xứ sở mà người thân hào phóng gửi theo. “Tôi quê ở An Giang, còn chồng tôi quê ở Hà Tĩnh. Hai vợ chồng lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Chỉ riêng chuyện Tết phải về quê nào cũng đủ mệt. Không về thì ông bà nhớ thương, mà về thì “lực bất tòng tâm”. Tết nhứt, vé xe mua rất khó, chen chúc đông nghẹt. Về được đến quê thì mệt lả người, thậm chí đổ bệnh. Nghỉ ngơi chưa được mấy ngày, lại tay xách nách mang về quê kia. Sau 1-2 năm, vợ chồng tôi thống nhất: mỗi năm, nếu Tết về quê vợ thì đến hè sẽ về quê chồng, luân phiên như thế. Nhờ vậy, Tết vừa rồi, tôi được hưởng trọn vẹn mấy ngày thật vui ở quê mình. Nhưng đến mùng 3, cả nhà lại lên xe về TP. Hồ Chí Minh, chuẩn bị khai trương mua bán. Mẹ tôi thấy vậy, hạ cả mâm trái cây chưng Tết, gói cho tôi mang theo để có thể “hưởng lộc ông bà”. Tôi đi rồi, mẹ đứng bên cửa buồn hiu. Chắc chắn sau đó, mẹ cũng không còn cảm giác vui Tết nữa. Giây phút ấy, tôi tự hỏi: mình sống xa quê liệu có phải là lựa chọn chính xác?” - chị Nguyễn Thị Yến (34 tuổi, quê ở Phú Tân) trải lòng với tôi như thế.
Chẳng biết từ bao giờ, trước và sau Tết trở thành thời điểm diễn ra “cuộc di dân lớn nhất năm” của người Việt. “Vội vã trở về, vội vã ra đi”, họ cắt xén từng chút thời gian để tranh thủ lên đường cho kịp Tết và cho kịp hết Tết. Khổ một nỗi, phần lớn thời gian của những chuyến hành trình là dành để vượt qua ùn tắc giao thông. Con đường từ nơi ở về quê và từ quê trở lại nơi ở bỗng xa về mặt không gian lẫn thời gian. Ông Trần Văn Ngọc (30 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mùng 6 Tết, tôi đi từ Long Xuyên đến TP. Hồ Chí Minh mất gần 10 tiếng đồng hồ, thay cho 5 tiếng ngày thường. Nhìn dòng người nối đuôi nhau, tôi chợt thấy tiếc. Nếu biết như thế, tôi ở nhà với gia đình thêm 1 ngày Tết nữa, chờ qua cao điểm “di dân” mới khởi hành, có phải ý nghĩa hơn không?”.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khép lại. Mọi người quay về với công việc thường ngày, tập trung làm kinh tế, dành dụm cho mùa Tết năm sau. Với người này, Tết là chuyện hiển nhiên, chẳng có gì khác biệt, vì họ đang sinh sống tại quê nhà. Nhưng với nhiều người khác, trót mang thân phận “tha phương”, mỗi lần về quê ăn Tết là một chuỗi hành trình của sự kiên nhẫn, của nỗ lực suốt 360 ngày trước đó, đủ mọi cung bậc cảm xúc riêng. Vậy nên, Tết rời đi sẽ mang theo lời thở dài của họ: lại xa quê!
KHÁNH HƯNG