Tăng cường kết nối An Giang - Đồng Tháp

30/08/2023 - 07:00

 - Không chỉ tiếp giáp nhau bởi dòng sông Tiền cung cấp nước ngọt quanh năm, An Giang và Đồng Tháp còn là 2 tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, cùng có biên giới giáp Campuchia, có lợi thế lớn về trồng lúa, cây ăn trái, rau màu, nuôi trồng thủy sản… Trong nỗ lực hợp tác giữa An Giang - Đồng Tháp, hệ thống giao thông đồng bộ có ý nghĩa quan trọng.

Đánh thức kinh tế biên giới

Sông Tiền và sông Hậu là 2 nhánh chính của dòng Mekong khi đổ vào ĐBSCL. Trong đó, sông Tiền dài hơn 230km, đi qua tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Trên sông Tiền hiện có 3 cầu đã xây xong (Cao Lãnh, Mỹ Thuận, Rạch Miễu), 2 dự án đang triển khai là cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Rạch Miễu 2. Tuy nhiên, suốt tuyến sông Tiền tiếp giáp khá dài giữa tỉnh An Giang và Đồng Tháp, hiện chưa có công trình cầu nào bắc qua sông.

Trong quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối ĐBSCL với miền Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh, Quốc lộ N1 (tuyến Xuyên Á) có vai trò rất quan trọng, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp với vùng động lực kinh tế miền Nam và cả nước.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Quốc lộ N1 dài 235km, được quy hoạch là đường có quy mô cấp III - IV đồng bằng, 2 - 4 làn xe (đoạn qua tỉnh An Giang dài khoảng 53km). Tuy nhiên, mới chỉ có đoạn Châu Đốc - Hà Tiên được đầu tư theo quy hoạch, các đoạn tuyến còn lại khai thác chưa liên tục, đang tận dụng tuyến đường địa phương với quy mô nhỏ hẹp.

Sau thời gian chờ đợi, ngày 28/3/2022, UBND tỉnh An Giang khởi công xây dựng cầu Châu Đốc, thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng (N1), đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp. Đây là công trình giao thông cấp I, tổng chiều dài tuyến gần 21km, trong đó tuyến chính dài hơn 17km, có điểm đầu tại nút giao với Đường tỉnh 954 (phường Long Sơn, TX. Tân Châu), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 91 (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc).

UBND tỉnh cho biết, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công, nhằm sớm đưa cầu Châu Đốc và tuyến đường liên kết vùng vào sử dụng. Công trình có ý nghĩa quan trọng, kết nối Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) theo trục biên giới các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.

Nỗ lực kết nối

Trên địa bàn tỉnh An Giang, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được khởi công xây dựng. UBND tỉnh đề xuất được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng thêm 2 tuyến kết nối từ điểm đầu cao tốc (TP. Châu Đốc) với Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và tuyến nối lên các cửa khẩu huyện An Phú.

Những công trình đang được đầu tư góp phần tạo thành mạng lưới giao thông nối dọc các khu kinh tế cửa khẩu miền Tây với vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nối kết chưa trọn vẹn khi nhiều tuyến giao thông trọng yếu vẫn còn nhỏ hẹp, nhất là phương tiện qua lại An Giang - Đồng Tháp vẫn còn “lụy” phà Tân Châu - Hồng Ngự.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đường tỉnh 942, 954, 953 qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp và An Giang được quy hoạch nâng thành Quốc lộ 80B, điểm đầu tại TP. Sa Đéc (Đồng Tháp), điểm cuối tại cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang), tổng chiều dài khoảng 120km, quy mô cấp III, từ 2 - 4 làn xe.

Trong chương trình hợp tác An Giang - Đồng Tháp, 2 tỉnh đều thống nhất kiến nghị Chính phủ sớm đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự bắc qua sông Tiền, thay thế bến phà Tân Châu - Hồng Ngự, vốn thường xuyên quá tải vào cuối tuần, dịp lễ, Tết. Riêng tỉnh An Giang kiến nghị xây dựng thêm cầu Vàm Nao nối huyện Chợ Mới và Phú Tân, thay thế phà Thuận Giang hiện hữu, tạo thông suốt cho Quốc lộ 80B sau khi nâng cấp.

Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT), cầu Tân Châu - Hồng Ngự dài 890m, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ, tổng chiều dài dự án hơn 17km, kinh phí 6.200 tỷ đồng. Còn cầu Vàm Nao bắc qua sông Vàm Nao (nối sông Tiền - sông Hậu), tổng chiều dài dự án hơn 10km (cầu chính dài 400m), 4 làn xe, kinh phí dự kiến hơn 2.950 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).

Theo UBND tỉnh An Giang, đây là những công trình giúp tăng liên kết cho vùng ĐBSCL. Trong đó, cầu Vàm Nao sau khi hoàn thành, kết hợp với Quốc lộ N1 (dài 235km) tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp; rút ngắn quãng đường đến Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đi Campuchia. “Các dự án này không chỉ là nguyện vọng của người dân An Giang, Đồng Tháp, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong liên kết vùng. Trường hợp khó khăn về vốn, có thể ưu tiên xây cầu Tân Châu - Hồng Ngự trước” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Cùng với đề xuất xây dựng hệ thống giao thông liên kết, UBND tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đề nghị Trung ương xem xét, phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chung của Dự án liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao tại cồn Chính Sách (xã Thường Phước 1, TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và cồn Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu). Vị trí dự án nằm ở đầu nguồn sông Tiền, rất thuận lợi về nguồn nước, điều kiện lý tưởng cho cá tra sinh sản, xây dựng nơi đây thành trung tâm sản xuất cá tra giống chất lượng cao của vùng ĐBSCL.

NGÔ CHUẨN