Tăng cường quản lý người ngoài tỉnh trở về An Giang

04/10/2021 - 08:48

 - Suốt 3 ngày nay, hàng ngàn người dân An Giang xa xứ di chuyển về địa phương, tạo áp lực lớn cho công tác tiếp nhận, quản lý của chính quyền các cấp. Tỉnh đã thống nhất một số chủ trương, giải pháp để xử lý vấn đề.

Lực lượng chức năng điều tiết phương tiện của người dân

Lập danh sách công dân theo địa bàn cư trú

Hỗ trợ thực phẩm cho người dân

Các địa phương tiếp nhận người dân

Cảnh sát giao thông dẫn đường cho người dân

Hỗ trợ thực phẩm cho bà con. Ảnh: THANH HÙNG

Đề nghị người dân xa quê ở lại tại chỗ để lao động, ổn định cuộc sống

Lượng người đổ về An Giang ngày một tăng, trong khi điều kiện của tỉnh hiện rất khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Từ ngày 15-4 đến nay, tỉnh ghi nhận 5.416 ca mắc COVID-19, nhiều ca mắc trong cộng đồng. Tại cuộc họp trưa 3-10, sau khi nghe UBND tỉnh, các địa phương báo cáo tình hình phòng, chống dịch COVID-19, công tác tiếp nhận người dân tự phát trở về địa phương; ý kiến của sở, ngành và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết: “Thật sự, người dân không còn cách nào khác mới buộc phải quay về quê hương để tránh dịch. Dịch bệnh trong tỉnh đang khó khăn, bà con về nhiều, càng gia tăng thêm áp lực cho tỉnh. Cả hệ thống chính trị hết sức chia sẻ với bà con, bình tĩnh triển khai các phương án, cùng nhau vượt qua khó khăn”.

Tỉnh sẽ tiếp nhận và chăm lo chu đáo cho người dân khi về đến cửa ngõ. Tuy nhiên, các địa phương cần quản lý chặt chẽ, kiểm soát tốt dịch bệnh; ổn định tư tưởng người dân địa phương; bà con trở về thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực chăm lo, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các cửa ngõ vào tỉnh, điểm tiếp nhận, khu cách ly…

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và các địa phương kích hoạt, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ cao nhất, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều kênh để người dân lao động hiểu và đồng hành cùng tỉnh ở lại tại chỗ để được tiếp cận vaccine; tiếp tục lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống. Tỉnh sẽ khẩn trương sắp xếp, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, khu cách ly để tổ chức đón bà con có nhu cầu về quê trong thời gian sớm nhất, nhưng trước mắt ưu tiên người già, phụ nữ mang thai, trẻ em…

Ngay lúc này, tỉnh thành lập Tiểu ban Tổ chức tiếp nhận người dân lao động tự do về quê, do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Lê Văn Phước làm Trưởng tiểu ban, để khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức tiếp nhận người dân trở về địa phương. Các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với TP. Long Xuyên chọn địa điểm tiếp nhận, sàng lọc ban đầu. Đồng thời, thành lập tổ công tác đặc biệt “tiền phương” và “hậu phương”. Ngành y tế huy động nguồn nhân lực, bổ sung vật tư y tế, sinh phẩm y tế hỗ trợ các địa phương test nhanh tất cả người dân trước khi đưa về địa phương.

Sau khi sàng lọc, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương dẫn đường, hộ tống người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân về quê, đảm bảo an toàn giao thông và quy định phòng, chống dịch COVID-19. Các huyện, thị xã, thành phố chủ động phân loại F1 nguy cơ cao và nguy cơ thấp để cách ly phù hợp, không để lây nhiễm chéo; giám sát, quản lý chặt trường hợp cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe tại nhà. Đặc biệt, kiên quyết xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, cả hệ thống chính trị tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội. Các địa phương chủ động nghiên cứu thêm cơ sở cách ly, để chủ động sẵn sàng cho các tình huống. Đặc biệt, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt, điều trị tại khu cách ly y tế, khu vực điều trị COVID-19…

Địa phương quá tải, nhưng nỗ lực tiếp nhận

Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Lê Nguyên Châu cho biết, tính đến trưa 3-10, theo thông báo của tỉnh, ngoài số lượng đã tiếp nhận, còn rất nhiều công dân của huyện vào địa phận tỉnh, chưa sắp xếp về địa phương. Trong ngày 3-10, số công dân tiếp nhận trước mắt được bố trí về các xã không có dịch, như: Phú Bình, Phú Hiệp, Tân Hòa, Hiệp Xương, Phú Long… Trên địa bàn huyện Phú Tân hiện đang cách ly tập trung trên 500 trường hợp, nhiều địa phương đang có dịch như: thị trấn Phú Mỹ, Chợ Vàm, xã Phú Lâm, Phú Thọ… Chính quyền địa phương đang chịu sức ép rất lớn để kiểm soát dịch, quản lý F1, điều trị ca bệnh F0, chăm lo đảm bảo đời sống cho người dân trong khu vực phong tỏa. Vì vậy, huyện kêu gọi người dân hạn chế trở về quê trong giai đoạn này để giảm gánh nặng cho quê nhà, tập trung phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn cao điểm quyết liệt.

Là địa phương có số lượng người tự phát về quê cao nhất tỉnh trong ngày 3-10, huyện Tịnh Biên đã khẩn trương, nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất để tiếp nhận, tạo điều kiện cho những trường hợp này được cách ly tập trung theo quy định. Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 huyện Tịnh Biên yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương bố trí cơ sở vật chất, đảm bảo nhu cầu ăn, nghỉ, sinh hoạt cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Lâm Văn Bá thông tin: “Huyện đang nỗ lực để có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho bà con trở về quê trong thời điểm này. Đây là tình huống bất ngờ, nên điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất chưa chủ động kịp thời. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng sắp xếp ổn thỏa cho người dân dù gặp nhiều khó khăn, gấp rút”.

Tại địa bàn có số người về đông tương tự, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm chỉ đạo thị trấn Ba Chúc, thị trấn Tri Tôn và các xã Lương Phi, Lương An Trà kích hoạt ngay khu cách ly tập trung (tại điểm trường đã dự kiến trước đây) để tiếp nhận công dân. Các xã còn lại tiến hành khảo sát, mỗi xã thành lập điểm cách ly quy mô khoảng 300 chỗ. Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang phân ra khu cách ly F1 và khu cách ly người từ các tỉnh về. Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn thành lập khu điều trị F0 có triệu chứng và F0 không triệu chứng. Đồng thời, xây dựng nội quy khu cách ly và dịch sang tiếng Khmer để dán tại các điểm cách ly.

Ngoài ra, các địa phương khẩn trương chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Trong lúc gặp gỡ với người dân trở về địa phương, Bí thư Thị ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TX. Tân Châu Huỳnh Quốc Thái chia sẻ: “Hiện, thị xã đang đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vì vậy việc tổ chức đón công dân về quê chưa được chu đáo như mong muốn, hy vọng bà con thông cảm và tuân thủ nghiêm quy định trong khu cách ly y tế tập trung. Bà con cần tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè còn đang ở các tỉnh, thành phố cố gắng ở lại, không tự ý về quê và chờ thông báo tiếp theo của tỉnh, thị xã”. Ngay trong đêm 2 và 3-10, TX. Tân Châu vận động nhân dân trên địa bàn, các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương tổ chức nấu cơm, phục vụ nước uống cho bà con trong khu cách ly và lực lượng làm nhiệm vụ.

Lượng người về quê tăng, dẫn đến quá tải tại khu cách ly tập trung, gây áp lực lớn cho chính quyền địa phương và ngành y tế. Để phòng nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng, các địa phương tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế. Đồng thời, bố trí chỗ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ cho người dân thực hiện cách ly tập trung. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị lãnh đạo 11 huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền nhân dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Tất cả người dân nếu không có việc cần thiết thì không được ra đường; di chuyển phải có giấy tờ hợp lý. Đồng thời, phải tăng cường kiểm soát, không để người dân di chuyển quá nhiều.

Cho phép cách ly tại nhà đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19

Ngày 2-10, Sở Y tế ban hành Công văn 3159/SYT-NVY, hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người dân tự phát về từ các tỉnh, thành phố có dịch COVID-19, chia thành 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, tất cả phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương, luôn thực hiện thông điệp “5K” và thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7.

 Thứ hai, đối với nhóm người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19, tất cả phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2; cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương, tiếp tục cách ly y tế tại nhà trong 7 ngày tiếp theo (nếu điều kiện cách ly y tế tại nhà đảm bảo). Xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 3, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly y tế tại nhà. Trường hợp cách ly y tế tại nhà không đủ điều kiện, sẽ thực hiện cách ly tại cơ sở cách ly tập trung thêm 7 ngày nữa và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 14.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì chuyển đến cơ sở cách ly điều trị theo quy định. Chi phí thực hiện các xét nghiệm và cách ly y tế tập trung do cá nhân tự chi trả theo quy định hiện hành.

Khuyến cáo giữ an toàn đối với người dân địa bàn

TP. Long Xuyên là địa phương chịu áp lực lớn nhất trong thời điểm này, khi vừa phải ra sức giải quyết ùn tắc tại Chốt kiểm soát T2 (Vàm Cống), vừa bố trí nơi sàng lọc, tập kết người và phương tiện tạm thời, chờ các địa phương tiếp nhận. Ngoài việc phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh kiểm soát, điều tiết người và phương tiện, TP. Long Xuyên còn vận động nhiều tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại chốt, khu sàng lọc và lực lượng làm nhiệm vụ.

Đồng thời, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu có nhu cầu thật sự cần thiết phải ra đường, phải tuân thủ nghiêm thông điệp “5K”; không tập trung tại khu vực đông người, nhất là điểm được bố trí tiếp nhận và tập trung người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh về. Đối với hộ mua bán, kinh doanh, cần đeo khẩu trang, đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m, thường xuyên khử khuẩn trong suốt quá trình mua bán.

Trước tình hình người dân tự ý trở về quê với số lượng lớn, huyện Châu Phú không thể đón bằng xe ôtô, phải để người dân di chuyển về huyện bằng xe gắn máy. Do đó, để đảm bảo phòng, chống dịch đối với người dân trên địa bàn huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Châu Phú tạm thời dừng tất cả hoạt động mua bán, kinh doanh trên tuyến Quốc lộ 91 (đoạn qua địa bàn huyện); yêu cầu người dân ở yên trong nhà, không được ra đường từ 7 giờ 30 phút ngày 3-10 cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường quản lý, giám sát chặt địa bàn.

NHÓM PHÓNG VIÊN