Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

20/11/2023 - 06:18

Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh An Giang phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên với nội dung phong phú. Qua đó, tư vấn và cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các em.

 Truyền thông, cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên

Thực trạng vẫn còn một số em lứa tuổi vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các em thiếu hiểu biết về giới tính, tình dục, thiếu kỹ năng sống để bảo vệ mình trước nguy cơ xung quanh; phụ huynh thiếu sự quan tâm, chia sẻ về vấn đề giới tính với con...

 Để việc giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh trong các trường mang lại hiệu quả, ngành Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ, trung tâm y tế, các cấp, ngành, gia đình và nhà trường đã tích cực truyền thông, giáo dục về sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh An Giang phối hợp với ban giám hiệu các trường học tổ chức truyền thông sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề: “Giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên” cho hàng ngàn học sinh. Nội dung tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; các bệnh lây truyền qua đường tình dục và một số biện pháp KHHGĐ; thăm khám sức khỏe sinh sản cho vị thành niên; các biện pháp tránh thai; mang thai ở vị thành niên.

 Trong đó, tập trung tuyên truyền về tác hại của phá thai, giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên... Qua đó, khuyến cáo các em rèn luyện về kỹ năng sống liên quan đến sức khỏe sinh sản: Chủ động tìm hiểu kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên; tâm sự về những lo lắng, băn khoăn, thắc mắc với người thân trong gia đình, thầy cô, bạn bè...; có thời gian học tập, nghỉ ngơi, giải trí và tập luyện thể dục - thể thao phù hợp; phân biệt rõ ràng giữa tình yêu và tình bạn khác giới trong sáng...

Đồng thời, tránh xa những hình ảnh, sách báo, phim ảnh, trang web khiêu dâm, đồi trụy; tránh xa rượu, thuốc lá, ma túy; không nên quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành; biết các kỹ năng tránh bị xâm hại tình dục... Đây là những kiến thức cần thiết; nếu không được cung cấp đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến tương lai các em.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh An Giang cho biết, thực hiện tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các xã, phường, thị trấn; đã tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về sức khỏe sinh sản cho học sinh. Trong thăm khám cho vị thành niên, thanh niên, cán bộ y tế tư vấn giải tỏa những thắc mắc; tư vấn về tình dục an toàn và lành mạnh; biện pháp tránh thai an toàn... Bên cạnh đó, triển khai nhiều hoạt động truyền thông với hình thức, nội dung đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội zalo, facebook, hội nghị truyền thông…

Tham gia tổ chức và trực tiếp làm công tác truyền thông cho học sinh tại các trường học, cán bộ y tế - dân số của trung tâm y tế các địa phương chia sẻ kinh nghiệm: Để đạt hiệu quả truyền thông cao nhất, người làm công tác truyền thông cần trao đổi với học sinh những điều vốn được coi là thầm kín, khó nói trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản, về giới tính, tuổi dậy thì, về tình dục an toàn, các bệnh lây qua đường tình dục hay sự khác nhau giữa tình bạn và tình bạn khác giới…

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các em về sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân, giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm tỷ lệ nạo phá thai không an toàn. “Đối với công tác dân số, chúng tôi cố gắng cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản của thanh, thiếu niên; về các biện pháp KHHGĐ, các kiến thức về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình... để các em nhận thức đúng và có lối sống lành mạnh”- Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh (Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Phú Tân) chia sẻ.

Để hoạt động truyền thông đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc, phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội nhằm quản lý, giáo dục và trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các em. Cán bộ y tế - dân số các cấp cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản.

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh An Giang, vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành. Các em có những đặc điểm tâm sinh lý đặc biệt, như thích thử nghiệm, khám phá cái mới, khám phá năng lực bản thân, năng động, sáng tạo. Do đó, các em liên tục đối mặt với những thách thức và nguy cơ. Để vượt qua, trẻ vị thành niên cần được đáp ứng những nhu cầu cơ bản, gồm môi trường an toàn, thông tin đầy đủ và chính xác, những kỹ năng sống, dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe phù hợp. Đồng thời, giúp các em vượt qua tâm lý e ngại trước các vấn đề được xem là tế nhị, hình thành ý thức và thói quen chủ động phòng bệnh, nhận thức đúng về sự cần thiết và lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn.

HẠNH CHÂU