Quản lý nghiêm ngặt
Mới đây, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Vinh Hà làm Trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tế tại An Giang và việc với UBND tỉnh về việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật, thực thi Công ước về buôn bán, vận chuyển các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lữ Cẩm Khường cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 123 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã được cấp giấy chứng nhận gây nuôi, gồm 38 loài gây nuôi với 149.019 cá thể. Trong đó, quản lý theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP về các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có 23 loài (3 loài thuộc nhóm I B với 31 cá thể, 20 loài thuộc nhóm II B với 125.994). Tỉnh có 55 cơ sở gây nuôi cá sấu nước ngọt, trong đó 2 cơ sở gây nuôi được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp giấy chứng nhận cơ sở gây nuôi thuộc CITES, được phép xuất khẩu cá sấu nước ngọt.
Ông Lữ Cẩm Khường cho biết, hàng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra định kỳ tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm. Ngoài ra, còn thành lập đoàn kiểm tra đột xuất 2 đợt/năm (mỗi đợt 4 ngày) ở các huyện có cơ sở gây nuôi nhiều loài, số lượng lớn. Tỉnh cũng tiến hành kiểm tra đột xuất một vài trường hợp có số lượng nhập vào trại có nghi vấn vi phạm pháp luật. Qua đó, đã phát hiện 73 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 68 vụ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách 267,6 triệu đồng và tịch thu các tang vật, xử lý theo quy định của pháp luật. “Thông qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nhiều người dân đã tự nguyện giao các loài động vật hoang dã nuôi nhốt, bị săn bắt trái phép để thả về môi trường tự nhiên hoặc chuyển giao về cho các trung tâm cứu hộ với số lượng 64 cá thể (gấu ngựa, trăn, mèo rừng, khỉ, rùa...) và 236,5kg rắn các loại” - ông Khường thông tin.
Cơ sở cá sấu Út Tuyết
Hỗ trợ người dân
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng do đặc thù có đường biên giới dài gần 100km tiếp giáp với Campuchia, thường xuyên có tình trạng vận chuyển động vật hoang dã nguy cấp qua đường mòn, lối mở nên việc theo dõi, giám sát, tuần tra, kiểm tra, xử lý trên địa bàn An Giang gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, thời gian tới, An Giang sẽ xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin với 2 tỉnh giáp biên giới là Takeo và Kandal (Campuchia) để việc đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm hiệu quả hơn. Ông Thư đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cần có chính sách trang bị các công cụ, dụng cụ cho các lực lượng chuyên ngành để đảm bảo an toàn khi bắt, xử lý các loài động vật hoang dã hung dữ gây nguy hại đến cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể cho địa phương về việc quản lý các cơ sở mua bán cá, chim, thú kiểng... “Về phía tỉnh, sẽ tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật mới cho các hộ gây nuôi động vật hoang dã. Ví dụ như trước đây, cá sấu nước ngọt thuộc động vật hoang dã nguy cấp nhóm II, nay được nâng lên nhóm I theo Nghị định 06 của Chính phủ nên công tác quản lý, kiểm soát cũng chặt chẽ hơn. Do vậy, người dân cần được hỗ trợ về kiến thức pháp lý để chấp hành đúng quy định” - ông Thư thông tin.
Trong chuyến làm việc tại An Giang, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường Quốc hội cùng đại diện Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã khảo sát thực tế mô hình nuôi cua đinh, rùa răng (càng đước), rùa đất lớn và cầy Vòi Hương của ông Thiệu Văn Đoàn ở ấp Vĩnh Phú (xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) và cơ sở cá sấu Út Tuyết (khóm Hòa Bình, phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc). Qua đó, đoàn đánh giá cao việc chấp hành pháp luật của các hộ nuôi cũng như việc thực thi thực thi Công ước CITES trên địa bàn tỉnh. Nguyện vọng của bà Lê Thị Bích Lẹ (chủ cơ sở cá sấu Út Tuyết) cũng như những hộ gây nuôi động vật hoang dã khác là sau khi được cấp giấy chứng nhận cơ sở gây nuôi thuộc CITES, sớm được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam xem xét cấp thẻ xuất khẩu.
“Cơ sở tôi hiện có khoảng 32.000 cá thể cá sấu nước ngọt, đã thực hiện được quy trình cho cá sấu đẻ trứng, ấp nở thành công cá sấu con. Nếu được cấp thẻ xuất khẩu cá sấu nguyên con sang Trung Quốc, giá trị sẽ cao hơn nhiều so với tiêu thụ trong nước. Khi đó, cơ sở càng có điều kiện mở rộng sản xuất, cung cấp giống cho các hộ nuôi vệ tinh rồi thu mua lại xuất khẩu” - bà Lẹ mong mỏi.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN