Tập huấn nông dân tham gia VnSAT

25/11/2022 - 06:55

 - Với tổng diện tích sản xuất lúa mỗi năm trên 600.000ha, An Giang là một trong 8 tỉnh ĐBSCL được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Khi các hộ nông dân trồng lúa được tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến, biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị, thu nhập có thể tăng khoảng 30%.

Tăng cường tập huấn

Khi triển khai dự án VnSAT tại An Giang, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) được giao nhiệm vụ phụ trách hỗ trợ kỹ thuật triển khai thực hiện dự án tại huyện Tịnh Biên và Thoại Sơn, giai đoạn 2016-2022.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên, đơn vị phụ trách đào tạo, huấn luyện và thực hiện các mô hình trình diễn về: “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”; quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng VietGAP; kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP; nhân giống lúa xác nhận; sử dụng phụ phế phẩm lúa; hỗ trợ luân canh cây trồng.

Từ năm 2016 - 2022, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã tổ chức tập huấn được 579 lớp, với 16.526 lượt nông dân, diện tích 16.600ha tại 24 xã, thị trấn của huyện Thoại Sơn và Tịnh Biên. Trong đó, đào tạo kỹ thuật sản xuất lúa theo “3 giảm, 3 tăng” được 185 lớp, 5.710 nông dân tham gia; đào tạo kỹ thuật sản xuất lúa theo “1 phải, 5 giảm” được 312 lớp, 7.781 nông dân tham gia.

Đồng thời, đào tạo cho nông dân về kỹ thuật luân canh cây trồng được 29 lớp, 6 mô hình trình diễn; kỹ thuật nhân giống lúa xác nhận được 22 lớp, 6 mô hình trình diễn; kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng VietGAP được 5 lớp, 4 mô hình trình diễn; kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP được 6 lớp, 2 mô hình trình diễn; đào tạo cho nông dân về sử dụng phụ phế phẩm lúa gạo được 20 lớp, 6 mô hình trình diễn.

Bà Huỳnh Đào Nguyên cho biết, kế hoạch tổ chức đào tạo, tập huấn được Trung tâm Khuyến nông An Giang rà soát, sắp xếp hợp lý theo nhu cầu của nông dân tại các xã tham gia dự án. Trong khi đó, nội dung tập huấn linh hoạt, phù hợp thực tế từng địa phương; thời gian tập huấn được chia thành từng đợt, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đội ngũ giảng viên đã qua đào tạo, có nhiều kinh nghiệm và phương pháp truyền đạt. Nông dân được tạo điều kiện thao tác thực tế trên đồng ruộng và trao đổi kinh nghiệm canh tác lúa tiên tiến.

Tăng hiệu quả sản xuất lúa

Theo bà Nguyên, qua các mô hình trình diễn đã chứng minh được hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Qua khảo sát cho thấy, nông dân vùng dự án VnSAT đã giảm được lượng lúa giống gieo sạ từ 200kg/ha xuống còn 100-120kg/ha; giảm được lượng phân đạm; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ 1-3 lần, tăng cường sử dụng thuốc “4 đúng”.

Hỗ trợ nhân rộng

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên cho biết, thông qua những lớp tập huấn, nông dân đã được nâng cao kiến thức sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác, chuyển dần sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật, thân thiện với môi trường, hướng đến canh tác bền vững.

Đối với việc chuyển giao quy trình “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”, kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, giúp nông dân nhận thức được việc sử dụng đúng thuốc BVTV không ảnh hưởng đến dư lượng trong sản phẩm. Đối với mô hình luân canh, hoạt động tập huấn cùng mô hình trình diễn là cơ sở giúp nông dân hiểu và ứng dụng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, giúp cải thiện cấu trúc đất, kiểm soát sâu bệnh gây hại và cỏ dại.

Đối với mô hình sử dụng phụ phế phẩm từ lúa gạo, đã giúp nông dân tận dụng được nguồn phụ phẩm sẵn có trong quá trình sản xuất lúa, gạo, tăng thêm thu nhập cho gia đình, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường từ việc đốt đồng, giảm phát thải khí nhà kính.  

Ngoài việc đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân, dự án VnSAT còn góp phần hỗ trợ các tổ chức nông dân, hợp tác xã (HTX) phát triển, đẩy mạnh thành lập HTX. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông dân. Đối với đội ngũ cán bộ kỹ thuật, được nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức thông qua tham dự các khóa tập huấn, tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

Huyện Thoại Sơn là một trong những địa phương được tập trung triển khai dự án VnSAT. Huyện đã tổ chức đào tạo 74 lớp có điểm thực hành, thu hút 2.293 nông dân tham gia. Thoại Sơn còn thực hiện 20 điểm trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, diện tích 50ha; mở 76 lớp đào tạo nhắc lại chương trình “1 phải, 5 giảm”, có 2.282 hộ nông dân tham gia.

Hiệu quả mang lại là làm thay đổi nhận thức của nông dân về mật độ gieo sạ, sử dụng phân bón, thuốc BVTV tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào nhưng tăng năng suất, chất lượng; giảm tác hại đến môi trường và sức khỏe cho con người, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Sau khi được tập huấn, nhiều hộ nông dân vùng dự án VnSAT đã vận dụng khá tốt các kiến thức được truyền đạt vào thực tế đồng ruộng, tỷ lệ áp dụng đạt trên 70%. Qua áp dụng kỹ thuật tiến bộ, năng suất lúa ổn định ở mức cao, trong khi lợi nhuận của nông dân tăng thêm khoảng 30% so với sản xuất truyền thống.

 

NGÔ CHUẨN