Tập trung bảo vệ an toàn sản xuất vụ hè thu và thu đông 2022

08/07/2022 - 06:41

 - Vụ hè thu và thu đông có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất năm 2022 của ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, bảo vệ an toàn thu hoạch vụ hè thu và sản xuất vụ thu đông 2022 đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Chuẩn bị tốt các phương án ứng phó để không bị động khi thiên tai xảy ra

Đẩy mạnh liên kết sản xuất

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ hè thu 2022, toàn tỉnh xuống giống 221.058ha, đạt 96,37% kế hoạch. Qua thu hoạch, khoảng 10% diện tích lúa trà đầu, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha. Các giống lúa chất lượng cao được nông dân ưu tiên sử dụng, nhiều nhất là giống OM18 (85.166,5ha), chiếm 38,6% diện tích xuống giống (cùng kỳ chiếm 14,73%), giống OM5451 (65.043ha, chiếm 29,5%), nếp (17.791,7ha, chiếm 8,1%), Đài thơm 8 (16.089,4ha, chiếm 7,3%). Đến nay, các doanh nghiệp (DN) đã ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa hè thu 2022 thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích 47.893ha, đạt 43,33% kế hoạch.

Đối với rau màu, diện tích xuống giống được 17.611ha, đạt 93,12% so kế hoạch xuống giống 18.914ha; lũy kế đã thu hoạch đạt trên 30% diện tích. Các DN hợp đồng liên kết 9.175ha (đạt 55,8% kế hoạch), gồm: Công ty Antesco liên kết 1.845ha bắp thu trái non và đậu nành rau tại huyện Chợ Mới, Phú Tân; Công ty Thủy sản Bạc Liêu liên kết 47ha đậu bắp Nhật tại xã Phú Hữu, Quốc Thái, Phước Hưng (huyện An Phú); Tập đoàn Lộc Trời liên kết 10ha rau màu tại TP. Châu Đốc…

Về cây ăn trái, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 19.100ha, tổng sản lượng cả năm ước đạt 260.000 tấn, tập trung vào các loại: Xoài 12.433ha, chuối 787ha, nhãn 492ha, mít 1.663ha, cây có múi 1.529ha (bưởi 494ha, cam 287ha, quýt 170ha, chanh 559ha)...

Dự kiến 6 tháng cuối năm 2022, sản lượng cây ăn trái đạt 98.493 tấn. Trong đó, diện tích thu hoạch tập trung từ tháng 6 kéo dài đến tháng 10/2022, gồm: Cây có múi trên 5.800 tấn (bưởi 1.413 tấn, cam, quýt 3.247 tấn, chanh 1.231 tấn), mít (diện tích 1.663ha, cho trái 658ha, năng suất 14-14,2 tấn/ha, sản lượng 3.498 tấn); thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 9, kéo dài đến cuối năm 2022, gồm: Xoài 71.453 tấn, chuối 7.288 tấn (diện tích chuối cấy mô có hợp đồng tiêu thụ với các DN xuất khẩu trái cây tại TP. Hồ Chí Minh), nhãn 1.370 tấn...

Nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đến nay, toàn tỉnh đã cấp 21 mã số cho các cơ sở đóng gói; 185 mã số vùng trồng trên cây trồng (144 mã số xoài, 7 mã số chuối, 4 mã số mít, 30 mã số lúa). Riêng với xoài, diện tích cấp mã số vùng trồng đạt 6.862,8ha, chiếm 37% tổng diện tích cây ăn trái.

Bảo vệ sản xuất

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ thu đông 2022, toàn tỉnh xuống giống khoảng 164.000ha lúa (năng suất dự kiến 6,2 tấn/ha) và 14.183,3ha màu. Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa, như: OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… để xuống giống vụ thu đông (thời gian qua, các giống này được DN thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng). Khung lịch thời vụ xuống giống vụ thu đông được khuyến cáo từ ngày 15/7 đến 31/8/2022. Riêng lịch xuống giống tập né rầy từ ngày 19 đến 31/7 (đợt 1) và từ ngày 16 đến 26/8 (đợt 2).

Để chủ động ứng phó thiên tai, bảo vệ sản xuất, tỉnh tập trung rà soát, cập nhật phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai mà tỉnh đã xây dựng trước đây theo sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án của Ban Chỉ đạo Trung ương (hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, mưa, giông, lốc…). Đến nay, tất cả 156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã ban hành quyết định thành lập đội lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh tiếp tục đăng tải các thông tin về dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh, tài liệu hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa với các loại hình thiên tai trên Zalo của Ban Chỉ huy và trang Facebook thông tin phòng, chống thiên tai tỉnh An Giang (đã có 2.752 lượt theo dõi trang Facebook).

Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, khảo sát tình hình triển khai công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2022, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Các địa phương được yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai (mưa, giông, sét, lũ, sạt lở đất...) và cách phòng tránh để người dân biết, chủ động phòng tránh theo Công văn 23/BCH-PCTT, ngày 28/3/2022 của Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh; tăng cường thông tin thường xuyên trên báo, đài, Zalo, Facebook...

Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa máy bơm, kịp thời bơm tiêu chống úng cho lúa, màu, cây ăn trái trong mùa mưa lũ; tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão, đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn kéo dài. Bên cạnh đó, có kế hoạch hiệp đồng lực lượng, phương tiện, vật tư, bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các địa phương tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai theo chế độ 24/24 giờ trong mùa mưa, lũ để nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến của thiên tai, đề xuất chủ trương, biện pháp ứng phó, cập nhật tình hình thiệt hại do thiên tai và tổng hợp kịp thời gửi báo cáo về cấp trên.

NGÔ CHUẨN