Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp

27/12/2019 - 08:10

Việc tái cơ cấu nhằm phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Trong đó, xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ là yếu tố quan trọng.

Đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng

Trên tuyến đường cặp kênh Võ Văn Kiệt (xã Lạc Quới vào xã Vĩnh Phước, Tri Tôn), giữa mênh mông ruộng lúa, bỗng xuất hiện vườn mãng cầu xiêm rộng 6ha đang phát triển xanh tốt. Xen lẫn mãng cầu xiêm là những cây bưởi da xanh đang vươn cành mạnh mẽ giữa vùng đất trước đây nổi tiếng là “túi phèn” của Tứ giác Long Xuyên. Để khắc phục ảnh hưởng của phèn, ông Nguyễn Văn Sao áp dụng kỹ thuật ghép mãng cầu xiêm trên gốc bình bát. Mỗi cây mãng cầu xiêm cách nhau 4m, cứ cách 2 hàng trồng xen bưởi da xanh, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nhân công, chi phí. “Nhờ lên liếp nên phèn lắng xuống mương, cả mãng cầu xiêm trên gốc bình bát và bưởi da xanh thích ứng tốt, phát triển ổn định. Năm sau tôi có thể thu hoạch, hiện thị trường cả 2 loại trái cây này đều khá tốt” - ông Sao thông tin.

Sản phẩm chuối cấy mô được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Sao là một trong những nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, qua 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 11-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi sang rau, màu và cây ăn trái trên nền đất lúa kém hiệu quả của tỉnh hiện đạt 25.599ha. Cụ thể, năm 2016 chuyển đổi 6.325,5ha, năm 2017 chuyển đổi 6.553ha, năm 2018 là 7.006ha; tính đến tháng 10-2019, tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi 5.714,42ha, đạt 101% kế hoạch chuyển đổi của cả năm 2019. Loại cây trồng chuyển đổi năm 2019, gồm: rau dưa các loại 1.791,45ha, cây màu 2.279,39ha, cây ăn trái 1.643,58ha. Các địa phương thực hiện chuyển đổi là Thoại Sơn (112,85ha), Tri Tôn (1.301,01ha), An Phú (596,43ha), Tịnh Biên (936,76ha), Phú Tân (176,95ha), Châu Thành (916,54ha), Châu Phú (237,48ha), Chợ Mới (385,5ha), TX. Tân Châu (209,09ha), TP. Châu Đốc (190,98ha) và TP. Long Xuyên (651,24ha),

Kêu gọi đầu tư gắn xây dựng thương hiệu

Đến nay, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và cải cách hành chính thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn TH, Tập đoàn Tiran, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc, Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú... trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phân công lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc theo dõi trực tiếp các dự án cho từng lĩnh vực cụ thể; phân công tổ xúc tiến đầu tư làm đầu mối, tham mưu và hỗ trợ DN, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trực tiếp đến các nhà đầu tư, hỗ trợ các DN khảo sát địa bàn xây dựng dự án, hỗ trợ DN tiếp cận ngân hàng để được tư vấn về gói vay tín dụng ưu đãi thực hiện dự án...

Đến nay, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ 37 DN triển khai liên kết sản xuất thông qua 20 hợp tác xã (HTX) và 10 tổ hợp tác. Sở còn chủ động làm việc với các DN về phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Đồng thời, phối hợp xây dựng thương hiệu nông sản. Ông Lâm cho biết, ngày 3-7-2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1625/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt OCOP_AG). Trong đó, xác định và lựa chọn được ít nhất 10 sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tham gia Đề án OCOP_AG cấp tỉnh để được thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản phẩm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Giai đoạn 2021-2030, An Giang sẽ phát triển thêm ít nhất 20 sản phẩm, dịch vụ.

Trên cơ sở chỉ đạo và phân công của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm tham gia Đề án OCOP_AG năm 2019 với các nội dung như: xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu. Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp, triển khai trưng bày giới thiệu các sản phẩm, kết nối giao thương thông qua các kỳ hội chợ như: Hội chợ quốc tế OCOP 2019 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ OCOP Quảng Ninh - hè 2019; Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL tại tỉnh Bến Tre lần thứ I-2019; Hội nghị tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL tại tỉnh Bạc Liêu năm 2019; Hội nghị tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn quốc tại tỉnh Nam Định năm 2019…

NGÔ CHUẨN