Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Ðà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1867, Pháp chiếm xong lục tỉnh Nam Kỳ. Năm 1868, chính quyền Pháp bắt đầu thiết kế, xây dựng một dinh thự tại trung tâm TP. Sài Gòn, làm nơi ở cho Thống đốc Nam Kỳ, tên gọi Dinh Norodom. Công trình khởi công xây dựng ngày 23/2/1868, hoàn tất vào năm 1871. Từ 1887 – 1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở, làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương.
Ngày 7/9/1954, Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện Chính phủ Pháp, đại tướng Paul Ely với đại diện chính quyền Sài Gòn - Ngô Ðình Diệm. Ngô Ðình Diệm quyết định đổi tên thành Dinh Ðộc Lập. Ngày 26/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lên làm Tổng thống. Từ đó Dinh Ðộc Lập trở thành nơi ở của gia đình Ngô Ðình Diệm, cũng là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Ngô Ðình Diệm duy trì chế độ độc tài gia đình trị, dồn dân vào ấp chiến lược, thi hành luật 10/59, không những gây phẫn uất trong Nhân dân, mà còn gây ra sự bất bình trong nội các chính quyền Sài Gòn.
Ngày 27/02/1962, phe đảo chính ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của Dinh. Ngô Ðình Diệm quyết định khởi công xây dựng lại vào ngày 1/7/1962. Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Ðình Diệm bị phe đảo chính giết chết. Ngô Ðình Diệm là người khởi xướng xây dựng Dinh Ðộc Lập, nhưng ông ta không được sống ở đây ngày nào, mà người có thời gian sống lâu nhất là Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10/1967 đến 21/4/1975).
49 năm trước, vào 10 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân Giải phóng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2) dẫn đầu đội hình, húc cổng phụ Dinh Độc Lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 phá tung cổng chính, tiến thẳng vào Dinh. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng chỉ huy xe 843 hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Dinh. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Trước cổng Dinh Độc Lập hiện trưng bày 2 chiếc xe tăng. Dù không phải chiếc xe năm xưa làm nên lịch sử, nhưng vẫn góp phần mô tả thời khắc lịch sử đã qua, luôn nhắc nhở, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc cuộc chiến, chiếc xe tăng 843 lại có nhiệm vụ đặc biệt khác: Được đặt trong Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, được chứng nhận bảo vật quốc gia. Chiếc xe là hiện vật quý báu, mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam lẫn khách quốc tế về chiến công to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Gần nửa thế kỷ hoàn toàn giải phóng, những ngày này, nhiều con đường ngập cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Đông đảo người dân đến Dinh Độc Lập ôn lại truyền thống cách mạng của dân tộc. Từng đoàn xe tiến vào với băng-rôn “Tìm về địa chỉ đỏ”, cựu chiến binh ăn mặc chỉnh tề, huy chương đầy trên ngực. Họ thăm lại địa điểm lịch sử dân tộc. Nhiều đoàn học sinh thể hiện lòng biết ơn thế hệ đi trước bằng cái khoanh tay lễ phép, lời chào thân thiết.
Đối với du khách nước ngoài, Dinh Độc Lập là minh chứng cho tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng chiến đấu ngoan cường để giành lại độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Những ai từng đến tham quan càng cảm nhận rõ nét truyền thống cách mạng của dân tộc, những dấu tích chiến tranh được lưu giữ trân trọng, cẩn thận. Dinh Độc Lập sẽ mãi là điểm tham quan du lịch, trải nghiệm đáng nhớ, không thể nào bỏ lỡ.
Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1976. Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1272/QĐ-TTg, xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc Lập là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước. |
ĐĂNG LÂN