Thành tựu của đổi mới là tiền đề chạm đến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc

04/02/2024 - 08:15

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng nêu bật những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới. Đây là tiền đề để xây dựng Việt Nam "cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc".

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những thành tựu này thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua, góp phần làm cho "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

GDP bình quân đầu người tăng 58 lần sau gần 40 năm đổi mới

Khái quát lại quá trình phát triển của đất nước, Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nước ta đã trở thành một nước độc lập, có chủ quyền; giang sơn gấm vóc 330.000km2 từ Hữu Nghị Quan đến Mũi Cà Mau với hơn 3.200km bờ biển và địa chính trị, địa kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt đã được thu về một mối. 

Trước Đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn cả về người, về của và môi trường sinh thái. 

Sau chiến tranh, Mỹ và Phương Tây đã áp đặt bao vây, cấm vận kinh tế với Việt Nam trong suốt gần 20 năm. Tình hình khu vực và quốc tế cũng diễn biến phức tạp, gây nhiều bất lợi cho chúng ta. Lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm hết sức thiếu thốn, đời sống nhân dân khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. 

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. 

Tổng Bí thư dẫn chứng, quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD). 

Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. 

Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỉ USD; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu.

Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2023. Đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, vốn đăng ký tăng 32%, vốn thực hiện tăng 3%, đạt 23 tỉ USD trong năm 2023, cao nhất từ trước đến nay; và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút FDI. 

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tiếp tục trên chặng đường vinh quang dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vô cùng yêu dấu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta sẽ tiếp tục hướng tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đảng cũng đặt mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng "cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thời điểm có tính chất bước ngoặt để bứt phá

Là một doanh nhân, đảng viên, TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng bày tỏ tuyệt đối ủng hộ mục tiêu “xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng 'cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc', vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” như Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo ông Trần Khắc Tâm, mục tiêu ấy cũng chính là khát vọng chung của toàn thể nhân dân, của dân tộc ta và chúng ta đang nỗ lực mỗi ngày để tiến đến đích cao đẹp ấy. 

“Tôi nghĩ rằng nhân dân ta, dân tộc ta xứng đáng có một đất nước văn minh, hiện đại, phát triển trên thế giới, bởi mỗi người Việt Nam mang trong mình phẩm chất yêu lao động, sáng tạo, đoàn kết và yêu chuộng hòa bình, tiến bộ”, ông Trần Khắc Tâm nói. 

trankhactam 240.jpeg

TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nêu thực tế năm 2023, giữa bối cảnh thế giới phức tạp, bất ổn, tình hình kinh tế khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng khích lệ. 

“Tôi thuộc thế hệ đầu 7X, sinh ra khi đất nước vẫn còn chiến tranh, lớn lên trong thời bao cấp, vươn lên ở thời kỳ đổi mới, nên cảm nhận rất rõ mỗi bước phát triển của đất nước chúng ta”, ông Tâm chia sẻ.

Vị doanh nhân 7X cho rằng, từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, hạ tầng bị tàn phá, có thời điểm đất nước bị cô lập, bị hiểu nhầm… đến hôm nay, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả đạt được. 

Việt Nam khẳng định vị thế quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, năm 2023 sản xuất nông nghiệp là điểm sáng.

"Nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn đã được khởi công, đang được hoàn thiện, như trên quê hương Sóc Trăng của tôi năm qua đã chứng kiến khởi công cao tốc Châu Đốc – Trần Đề và cầu Đại Ngãi, biến những giấc mơ ngàn đời của người dân châu thổ Cửu Long thành hiện thực…", ông Tâm nói. 

Theo vị doanh nhân thế hệ 7X, vị thế quốc gia của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Năm 2023 chúng ta không chỉ được mùa lúa gạo mà còn “được mùa ngoại giao”. Lãnh đạo nhiều nước đến Việt Nam và các nhà lãnh đạo của chúng ta đến nhiều nước để trao đổi, hợp tác, nâng cấp quan hệ.

Ông dẫn chứng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội và cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân thăm chính thức Việt Nam, khẳng định mối quan hệ bền chặt, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. 

Theo ông Tâm, ngoại giao tốt đẹp là nền tảng cho hợp tác kinh tế hiệu quả. Minh chứng là hiện nay, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ (tính theo giá trị nhập khẩu vào năm 2022). Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. 

“Chưa bao giờ chúng ta là đối tác quan trọng đối với hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới như hiện nay”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

Mặc dù khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng ông Tâm cho rằng đây là thời điểm có tính chất bước ngoặt để Việt Nam có thể bứt phá, để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội 13 của Đảng đưa ra cho từng giai đoạn. 

Theo ông Tâm, xét tổng hợp các yếu tố thì hiện nay chúng ta đang hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển. 

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, thời cơ là như vậy nhưng việc tận dụng nó như thế nào thì phụ thuộc vào chính chúng ta. Hãy nhìn lại thời điểm Đại hội 13, để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Đảng đã đề ra “3 đột phá chiến lược”. Đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. 

“Cho đến nay, chúng ta cảm nhận thấy rõ là kết cấu hạ tầng đang được nỗ lực xây dựng và đạt được nhiều kết quả, nhưng công tác hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực thì vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm”, ông Tâm trăn trở.

Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, những tồn tại nếu không sớm được khắc phục sẽ gây cản trở rất lớn đến việc tận dụng thời cơ, đặc biệt là những thời cơ nếu không sớm chớp lấy có thể sẽ bị vụt mất như việc đón các “đại bàng” trong làn sóng dịch chuyển sản xuất toàn cầu, quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo… 

“Tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền tập trung hơn nữa vào khâu đột phá thứ nhất và quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế phát triển, bởi chỉ khi có được thể chế hiện đại, vượt trội thì mới chớp được thời cơ để hiện thực hóa khát vọng”, vị doanh nhân thế hệ 7X bày tỏ.

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay

Đại biểu Tạ Thị Yên – Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chúng ta chỉ còn 6 năm để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước thu nhập bình quân đầu người trung bình cao. Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hiện nay thấp hơn so với kế hoạch.

Nếu chúng ta không kịp thời khắc phục những yếu kém nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là các yếu tố tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP), tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân thì việc đạt chỉ tiêu GDP bình quân đầu người vào năm 2030 như chiến lược đã xác định là khá thách thức.

Đây cũng là thách thức tương tự đối với mục tiêu tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người vào năm 2045. Như vậy bài toán đặt ra là chúng ta cần tăng tốc phát triển như thế nào để có thể đạt được mục tiêu đề ra.

tathiyen db.jpg

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó cần huy động tốt các nguồn lực, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

“Các chính sách công nghiệp phải được coi là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vượt bẫy thu nhập trung bình”, bà Yên nhấn mạnh.

Muốn vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, số hóa để tăng năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người. Đồng thời, tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát huy được tiềm năng tăng trưởng nhanh. 

Đặc biệt là tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghiệp hydro, amoniac xanh. Đây có thể được coi là những động lực mới của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, xung đột về địa chính trị, địa kinh tế hiện nay.

“Thành tựu kinh tế - xã hội trong gần 40 năm đổi mới là cơ sở quan trọng để khẳng định Việt Nam có thể chạm đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Con đường phồn vinh, hạnh phúc đã mở và đang ở phía trước, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, đại biểu Tạ Thị Yên nhắn nhủ.

Theo Vietnamnet