Tháo dỡ nhà, không cho xây cất lại?

27/07/2022 - 07:47

 - Một bạn đọc cho biết, nhà cất ở từ rất lâu, nay đã hư mục nên gia đình tháo dỡ để cất lại. Tuy nhiên, địa phương không cho sửa chữa, nâng cấp hay xây dựng mới.

Bà Lê Ngọc Linh với nền nhà chờ xây dựng

Phản ánh vụ việc đến Báo An Giang, bà Lê Ngọc Linh (sinh năm 1973, ngụ ấp Bắc Sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) cho biết, gia đình bà ở căn nhà tạm (chiều ngang 4m, dài 15m và một khoảng nhỏ ở phía sau làm sàn nước) sử dụng hơn 45 năm. Ngày 9/6, do căn nhà không ở được, nên bà tháo dỡ, hôm sau mua vật liệu xây dựng cất lại căn nhà cấp 4. Đang chờ ngày xây dựng, Ban Nhân dân ấp Bắc Sơn và cán bộ UBND thị trấn Núi Sập đến ngăn chặn, lập biên bản cho rằng, nhà cất cặp bờ kênh Thoại Hà là vi phạm xây dựng.

“Đất sử dụng của gia đình tôi dù chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng cha mẹ tôi mua từ rất lâu, không ai tranh chấp. Do gặp khó khăn, ngôi nhà qua nhiều năm chỉ sửa chữa, nâng cấp để ở tạm. Vừa qua, nhà gần như bị sập nên tôi phải kiếm tiền xây dựng lại. Tôi làm cam kết xây dựng như hiện trạng cũ, làm đơn yêu cầu (nhiều người xác thực) nhưng vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, một số người có hoàn cảnh tương tự, đất liền kề nhà tôi vẫn cất nhà ở suôn sẻ. Tôi nhận thấy, nhà nước cần có phương cách tạo điều kiện thuận lợi để người dân có chỗ ở đàng hoàng” - bà Lê Ngọc Linh cho biết.

Về việc này, hộ bà Trương Thị Vui, ông Hồ Văn Mười, Phạm Ngọc Ân ở gần cho biết, nhà của họ cùng gia đình bà Linh và một số người ở đây từ rất lâu. Dù nhà ở gần mé kênh Thoại Hà nhưng họ vẫn thường xuyên nâng cấp, gia cố và từ trước đến nay không xảy ra sự cố. Vừa qua, họ và một số người điểm chỉ vào đơn bà Linh xin nhà nước giải quyết cho sử dụng đất để cất ngôi nhà mới.

Liên quan đến việc này, một cán bộ xây dựng ở địa phương thông tin: “Tình trạng xây dựng trái phép là vấn đề diễn ra thường xuyên, đã ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương và diện mạo đô thị văn minh. Với trường hợp gia đình bà Lê Ngọc Linh, chúng tôi đôi lần nhắc nhở, giải thích, hướng dẫn xây dựng theo quy định, nhưng đương sự chần chừ, chưa tuân thủ”. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Núi Sập Tô Hoài Nam cho biết, khu vực này là mỏm sông liền kề sông Thoại, có dòng chảy mạnh, nhất là vào mùa nước nổi. Một số hộ cất nhà ở đã khá lâu, địa phương thường xuyên khuyến cáo bà con phải bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, khi có dấu hiệu bất ổn phải báo tin ngay. Đối với bà Lê Ngọc Linh, đất sử dụng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phát hiện hộ này cất nhà không xin phép, địa phương đến lập biên bản, giải thích, hướng dẫn bà tuân thủ về xây dựng theo quy định của pháp luật, không có việc ngăn cấm về xây dựng. Trong đó, đối với việc cơi nới, gia cố bờ sông là việc bị ngăn cấm nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân.

Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết, theo pháp luật về xây dựng và luật liên quan, hành vi xây dựng trái phép là xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp và xây dựng nhà trái phép trên các loại đất không được xây dựng. Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì việc xây dựng nhà, công trình trái phép sẽ bị xử phạt theo hình thức phạt tiền. Mức xử phạt xây dựng trái pháp phụ thuộc vào loại công trình, mức độ hành vi vi phạm lần đầu hay tái phạm. Bên cạnh, ngoài mức phạt hành chính, công trình xây dựng trái phép có thể bị buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

N.R