Thảo luận dự án luật về tố tụng hình sự và thống kê

20/10/2021 - 18:44

 - Chiều 20-10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên làm việc bằng hình thức trực tuyến đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, có sự tham dự của 5 vị ĐBQH. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chủ trì.

Trong phiên họp chiều nay, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024; Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Quang cảnh họp Tổ thảo luận của Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Quốc hội đã dành thời gian cho các Đoàn ĐBQH thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Các vị ĐBQH tỉnh An Giang thống nhất theo các tờ trình, báo cáo về 2 dự án Luật, đồng thời bày tỏ một số băn khoăn, ý kiến ở góc độ cá nhân.

ĐBQH Nguyễn Văn Thạnh

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự, ĐBQH Nguyễn Văn Thạnh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang nhận định: “Việc sửa đồi, bổ sung là hết sức cần thiết, cấp bách, khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định CPTPP. Đồng thời, từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã phát sinh những vấn đề mà Bộ luật hiện hành chưa đáp ứng được, nhất là khi đại dịch COVID-19, thiên tai… ảnh hưởng đến công tác này. Về sửa đổi Khoản 3, Điều 146, trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã là một quy định phù hợp, tránh gây ù ứ hồ sơ vụ việc, góp phần huy động được nguồn lực Công an xã trong hoạt động này. Trong thực tế của cơ quan điều tra, chúng tôi thường xuyên gặp vướng mắc về thời hạn xác minh, điều tra nguồn tin ban đầu (3 ngày). Nếu Công an xã được tiến hành một số hoạt động như Công an phường, thị trấn, Đồn công an hiện nay, chúng tôi rất tán thành”.

ĐBQH Phan Huỳnh Sơn

ĐBQH Phan Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh An Giang băn khoăn về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; khoản 1 Điều 229 về tạm đình chỉ điều tra; khoản 1 Điều 247 về tạm đình chỉ vụ án. “Dịch bệnh COVID-19 làm đảo lộn, phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự. Trong giai đoạn điều tra, truy tố, nếu chúng ta lấy căn cứ về thiên tai, dịch bệnh làm lý do bất khả kháng để tạm đình chỉ, vậy sẽ liên quan đến thời hạn tạm giam bị can, cần phải xử lý thế nào? Có cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp ngăn chặn không?” – ông Phan Huỳnh Sơn nêu vấn đề.

ĐBQH Trình Lam Sinh

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đánh giá: “Đây là luật rất cần thiết, phù hợp, nhằm cung cấp thông tin và thống kê hoạt động rất nhiều lĩnh vực, phục vụ cho việc đánh giá, phân tích, hoạch định chiến lược để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian dài. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần lưu ý, xem xét bổ sung một số hệ thống chỉ tiêu để đánh giá việc tăng trưởng kinh tế ở cấp tỉnh, huyện (do 1 cơ quan cấp Trung ương đánh giá). Từ đó, giúp lãnh đạo tỉnh, huyện có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh kinh tế - xã hội ở địa phương; hình thành ý tưởng, chiến lược, kế hoạch phát triển thế mạnh, giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém”.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cũng khẳng định, qua 5 năm thực hiện, Luật Thống kê đã đi vào cuộc sống, thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp, tính pháp lý, vai trò của công tác thống kê trong lãnh đạo, điều hành, quản lý. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu cần quan tâm nhiều hơn, như: tỷ lệ đô thị hóa, diện tích nhà ở xã hội; tỷ lệ phủ sóng đối với mạng di động; tỷ lệ người dân có kỹ năng công nghệ thông tin; tỷ lệ đài truyền thanh cấp xã (đi kèm chất lượng hoạt động); tỷ lệ truy cập báo chí điện tử… Ngoài ra, tôi đề nghị khi công bố số liệu thống kê, cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo niềm tin vững chắc, nâng cao độ tin cậy của số liệu”.

Tin, ảnh: GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích