Một thí sinh… 50 nguyện vọng
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay có hơn 653.000 thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ với hơn 2,5 triệu nguyện vọng. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường tăng gần 7,6% so với năm 2018, tương đương gần 490.000 chỉ tiêu.
Số lượng nguyện vọng trung bình TS đăng ký năm 2019 là 3,94 nguyện vọng. Có 1 TS ở Hà Nội đạt “kỷ lục” đăng ký nhiều nguyện vọng nhất, lên đến 50 nguyện vọng.
Các trường top đầu có tỷ lệ “chọi” cao. (Ảnh minh họa). Ảnh: Hà My
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), các tổ hợp môn thi truyền thống vẫn là được đa số các trường sử dụng để tuyển sinh và được đa số TS lựa chọn, chiếm 90% số nguyện vọng đăng ký.
Về lý thuyết sẽ có khoảng 400 tổ hợp, nhưng trên thực tế chỉ có 138 tổ hợp có TS đăng ký. Trong đó, năm tổ hợp truyền thống chiếm 90% nguyện vọng đăng ký, 133 tổ hợp còn lại chỉ chiếm 5%.
Dựa vào tổng chỉ tiêu và tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành năm 2019, Bộ GDĐT đưa ra thống kê về tỷ lệ “chọi” của các ngành. Theo đó khối ngành có tỉ lệ chọi cao nhất là 1/7, đó là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng) tuyển 104.769 chỉ tiêu mà có đến 739.587 nguyện vọng.
Tiếp sau đó là khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) với tỷ lệ “chọi” là 1/6,5; khối ngành VI (sức khỏe) 1/5,8. Theo giải thích của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), khối ngành VII dẫn đầu về tỷ lệ “chọi” do trong khối ngành này có các ngành nhóm an ninh, quốc phòng, tuy chỉ tiêu ít nhưng số nguyện vọng đăng ký rất cao nên kéo tỷ lệ “chọi” chung của khối ngành cao lên. Tương tự, khối ngành sức khỏe tuy tổng số nguyện vọng đăng ký không nhiều (199.573) nhưng do đặc thù chỉ tiêu tuyển sinh thấp (34.352) nên cũng đẩy tỷ lệ chọi lên cao.
Nguyện vọng trường top đầu tăng mạnh
Một điều đáng lưu ý đó là nguyện vọng xét tuyển vào các trường top đầu có hiện tượng tăng mạnh. Đối với ĐH Bách khoa Hà Nội, lượng nguyện vọng 1 tăng từ 24.000 năm 2018 lên gần 33.000 TS năm 2019. Theo thống kê của nhà trường có 2.748 TS từ 43 trường THPT chuyên khác nhau đã đăng ký vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2019. Có thể kể một vài trường như là chuyên ĐH Khoa học tự nhiên, chuyên ĐH Sư phạm, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam... So với lượng chỉ tiêu 6.680 ở tất cả các ngành/nhóm ngành, năm nay trường có tỷ lệ chọi tương đương 1/5.
Trường ĐH Y Hà Nội- một trong những trường ĐH có tỷ lệ chọi cao nhất cả nước, năm nay có khoảng 17.600 TS đăng ký xét tuyển, lượng hồ sơ đăng ký vào trường tăng khoảng hơn 2.000 bộ so với năm ngoái, Vì chỉ tiêu của trường là 1.120 sinh viên nên tỷ lệ chọi là trung bình xấp xỉ 1/16. Năm nay chỉ tiêu vào ngành Y đa khoa giảm còn 400 mà số lượng đăng ký vào ngành y đa khoa là hơn 4.000 nguyện vọng đăng ký. Như vậy tỷ lệ chọi vào ngành này là 1/10.
ĐH Kinh tế quốc dân cũng có tỷ lệ chọi cũng tăng so với năm ngoái. Tổng số TS đăng ký xét tuyển vào trường này năm nay 2019 là hơn 41.000, tăng 30% so với năm 2018. Trong khi, tổng chỉ tiêu vào trường với là 5.650 chỉ tiêu. Tỷ lệ chọi trường này sẽ là khoảng 1/7.
Trong khi đó ở phía Nam, trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, có trên 21.000 nguyện vọng, tăng trên dưới 1.000 so với năm ngoái. Trong đó, ngành công nghệ thông tin là ngành hút TS nhất với tổng các nguyện vọng là 6.400, chỉ riêng nguyện vọng 1 cũng khoảng 2.300. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu ngành này năm nay chỉ 100 cho tất cả các phương thức nên dù không trừ chỉ tiêu cho các phương thức khác thì tỷ lệ chọi ở thời điểm này rất cao (1/64 tính tổng số nguyện vọng và 1/23 tính riêng nguyện vọng 1).
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, tổng số đăng ký nguyện vọng nộp vào là 20.232. Trong đó, số nguyện vọng đăng ký nhiều nhất vào nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin (hơn 5.800). Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có hơn 45.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào 40 ngành. Trong đó, số nguyện vọng 1, 2, 3 chiếm 69%.
Điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ?
Ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Điểm ngưỡng đầu vào của trường năm 2018 không có ngành nào dưới 20 điểm. Với xu hướng tăng mạnh lượng TS đăng ký như năm nay, điểm chuẩn có thể tăng nhẹ”.
Theo ông Tớp, để được xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, TS phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên, học bạ sẽ được kiểm tra sau khi TS trúng tuyển nhập học. Bên cạnh đó, tổng điểm thi của tổ hợp môn xét tuyển trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 phải đạt ngưỡng xét tuyển của trường. Ngưỡng này sẽ thông báo cụ thể đối với từng ngành, chương trình đào tạo sau khi có kết quả thi THPT quốc gia 2019.
GS-TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, cũng như mọi năm, ngành bác sĩ y khoa được TS đăng ký nhiều nhất. Ngành răng – hàm – mặt cũng thu hút lượng TS đăng ký đông, có thể do nhiều TS đăng ký vào Y đa khoa sẽ đăng ký thêm răng – hàm – mặt, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 80 chỉ tiêu nên tỷ lệ chọi vào ngành này cũng khá cao. Còn ngành ít TS đăng ký hơn như cử nhân y tế công cộng.
Ông Bùi Đức Triệu-Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Dự đoán dải điểm trúng tuyển năm nay của trường sẽ có nhiều biến động, một số ngành có số nguyện vọng 1 đăng ký cao điểm chuẩn sẽ tăng, các ngành mới mở sẽ có điểm chuẩn khá thấp. Ngoài ra, một số ngành khác cũng có số đăng ký nguyện vọng 1 khá thấp so với trung bình như: Quản lý công và Chính sách (E-PMP), Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh (DSEB) và Kinh tế tài nguyên thiên nhiên”.
Theo HÀ MY (Dân Việt)