Thoại Sơn phát triển nông nghiệp công nghệ cao

06/06/2024 - 06:19

 - Thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) được các cấp, ngành quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh phân bổ cho huyện Thoại Sơn, từ năm 2017 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thoại Sơn tham mưu triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở 14 xã, với tổng số 111 mô hình, kinh phí hỗ trợ 8,2 tỷ đồng.

Trong đó, có 79 mô hình lĩnh vực trồng trọt, 21 mô hình lĩnh vực thủy sản và 11 mô hình lĩnh vực chăn nuôi. Qua ứng dụng công nghệ vào sản xuất, có nhiều mô hình phát huy hiệu quả, được nhân rộng đến các hộ dân, cải tiến phương thức sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp người dân tiết kiệm chi phí, công sức lao động, nâng cao thu nhập

Cụ thể, thực hiện hỗ trợ 79 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, chủ yếu thực hiện trên cây ăn trái ứng dụng các hệ thống tưới nước tiết kiệm, như: Tưới phun trên cao, tưới phun xung quanh gốc cây và tưới nhỏ giọt… nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm lượng nước tưới, giảm công lao động. Đây cũng là kỹ thuật mở ra cách làm mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cạn.

Theo Phòng NN&PTNT, việc ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm giúp hệ thống tưới nước chính xác theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng, giảm 70 - 80% chi phí công lao động. Đồng thời, tiết kiệm được lượng nước tưới từ 30 - 50% so với tưới truyền thống, điều này càng quan trọng hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Đặc biệt, giúp nông dân chủ động được thời gian tưới, đây là điều kiện cần thiết để tác động kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Từ đó, mang lại hiệu quả rõ rệt, giảm chi phí, nhân công, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Điển hình là mô hình “Ứng dụng công nghệ tưới phun kết hợp bón phân cho vườn bưởi da xanh bằng thiết bị điều khiển từ xa qua điện thoại di động” của hộ dân Lê Thị Hạnh (ngụ xã Vọng Thê).

Theo đó, bà Lê Thị Hạnh mạnh dạn chuyển đổi 5,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, thu hoạch năng suất bình quân khoảng 80 tấn/năm. Quá trình trồng, bà Hạnh áp dụng quy trình canh tác theo hướng VietGAP, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ; thuốc bảo vệ thực vật phải là chế phẩm sinh học, thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, bà Hạnh còn xây dựng nhà kho phân bón, nơi pha thuốc bảo vệ thực vật, ghi nhật ký phun thuốc...

Đặc biệt, bà Hạnh sử dụng điện năng lượng mặt trời kết hợp “Ứng dụng công nghệ tưới phun kết hợp bón phân cho vườn bưởi da xanh bằng thiết bị điều khiển từ xa qua điện thoại di động phục vụ tưới tiêu, phun thuốc”.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, bà Hạnh giảm đáng kể chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường. Với 5,3ha bưởi da xanh được công nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao với tỷ lệ thu hoạch trung bình từ 50 - 60 tấn bưởi, giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, hàng năm bà Hạnh thu về khoảng 1 tỷ đồng.

Lĩnh vực chăn nuôi, từ năm 2018 đến nay, thực hiện hỗ trợ 11 mô hình, gồm: Nuôi thỏ, heo, dê, gà, vịt, nuôi bò… ứng dụng khoa học - công nghệ trong quy trình trộn và chế biến thức ăn, kiểm soát nhiệt độ, xử lý phân trong chăn nuôi. Việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi tạo thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi có quy mô lớn, tập trung và hiệu quả hơn. Trong đó, công nghệ được ứng dụng trong chăn nuôi đã giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường triệt để, không ảnh hưởng tới người dân xung quanh; giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh. Đồng thời, nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần người dân.

Điển hình mô hình nuôi bò theo hướng tuần hoàn của anh Diệp An Hòa (ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành) ứng dụng hệ thống làm mát, nồi nấu cháo công nghiệp tự động cho bò. Anh Hòa cho biết: “Mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn của tôi có tổng vốn đầu tư gần 580 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 200 triệu đồng. Diện tích trang trại 1,5ha, trong đó 1ha trồng cỏ, 0,5ha diện tích chuồng trại và công trình phụ trợ.

Hiện, tổng đàn bò thịt đang nuôi vỗ béo triển khai trong mô hình là 35 con. Nhờ ứng dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn, nguồn phân thải ra trong quá trình chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học trở thành nguồn phân bón cho ruộng cỏ và tôi bán lại cho các hộ trồng cây trong xã. Mô hình chăn nuôi theo quy trình khép kín phù hợp xu hướng phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường”.

Hay mô hình nuôi thỏ New Zealand ứng dụng công nghệ phun sương bằng thiết bị cảm biến của anh Lê Minh Tuấn (ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang). Theo anh Tuấn, năm 2023, anh Tuấn được Phòng NN&PTNT hỗ trợ 50 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, để phát triển mô hình nuôi thỏ từ năm 2019. “Việc đầu tư hệ thống phun sương bằng thiết bị cảm biến giúp kiểm soát được nhiệt độ, thỏ có môi trường sinh sản, phát triển tốt. Trừ tất cả chi phí, tôi thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng/tháng” - anh Tuấn bộc bạch.

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển nền nông nghiệp theo hướng an toàn, hiện đại và bền vững ở địa phương.

PHƯƠNG LAN