Mô hình vẽ tranh trang trí, làm đẹp các bức tường khu vực nhà vệ sinh trong các trường tiểu học được thầy Võ Văn Quới (Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo) đề xuất ý tưởng sau khi tham quan, học tập mô hình tại tỉnh Đồng Tháp. Với sự nhất trí từ Hội đồng bộ môn Mỹ thuật cấp tỉnh, Tổ bộ môn Mỹ thuật cấp tỉnh đã ra đời, với mong muốn mỗi đơn vị cấp huyện thí điểm vẽ cho 1 trường học.
Qua đó, hưởng ứng phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực, mang đến những bích họa sinh động với nhiều chủ đề phong phú, gần gũi với học sinh, giúp các em không còn tâm lý e ngại mỗi khi vào nhà vệ sinh. Sau hơn 3 năm hoạt động, mô hình thật sự lan tỏa, đến nay mỗi huyện đã thành lập thêm những tổ mỹ thuật mới, tiếp tục mang tình yêu nghệ thuật, sự vui tươi, phấn khởi đến với học sinh trên địa bàn các huyện.
Vẽ tranh mang thông điệp chung tay phòng, chống dịch COVID-19
Ghi nhận tại huyện Thoại Sơn, thầy Trương Kỉnh Nhơn (giáo viên Trường Tiểu học “A” thị trấn Phú Hòa, Tổ trưởng Tổ bộ môn Mỹ thuật huyện Thoại Sơn) cho biết: “Nhằm góp phần xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp, tạo môi trường thân thiện cho học sinh khi đến trường, thực hiện kế hoạch tổ bộ môn tỉnh, Tổ bộ môn Mỹ thuật huyện Thoại Sơn xây dựng kế hoạch vẽ trang trí các trường tiểu học.
Theo kế hoạch, chương trình bắt đầu từ năm học 2019-2020 nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên hiện nay tổ chỉ mới thực hiện được 16/30 điểm trường. Theo kế hoạch đến cuối hè năm học 2021 - 2022, tổ sẽ tiếp tục thực hiện thêm 14 trường tiểu học còn lại. Các bức tranh vẽ chủ yếu là các đề tài, như: Lao động, học tập, bảo vệ môi trường, thông điệp “5K” bảo vệ sức khỏe, động thực vật, hoạt động vui chơi của thiếu nhi…”.
“Nhìn các em đến trường với niềm vui bất ngờ, thích thú với ngôi trường cũ nhưng cảnh quan mới, những giáo viên bộ môn mỹ thuật chúng tôi dẫu vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng thấy rất phấn khởi và có thêm động lực, sáng tạo nên những bức tranh mới với nhiều chủ đề vui tươi, gần gũi với các em. Đó là những bức bích họa được các giáo viên mỹ thuật vẽ nên, tập trung vào các chủ đề quen thuộc về bảo vệ môi trường, trò chơi dân gian, động thực vật, phòng chống dịch COVID-19...
Chúng tôi không muốn bức tường đơn giản chỉ là bức tường mà còn là nơi để học sinh có thể vừa thưởng thức nghệ thuật, bay bổng với những màu sắc, nhân vật hoạt hình, động thực vật yêu thích và học được những thông điệp, giáo dục phẩm chất đạo đức một cách nhẹ nhàng mỗi ngày”- thầy Lê Phước Toàn (giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học “A” Bình Thành, thành viên Tổ bộ môn Mỹ thuật huyện Thoại Sơn) chia sẻ.
Không chỉ nhận được sự yêu thích từ các học sinh mà ngay cả phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu các trường đều rất hào hứng đón nhận những chiếc “áo mới” cho nhà vệ sinh của trường. Bởi đây là cách để các trường tiết kiệm kinh phí sửa chữa hàng năm. Các trường chỉ cần bỏ ra kinh phí để mua vật liệu sơn, phần còn lại do tổ bộ môn mỹ thuật cùng nhau lên ý tưởng, chọn hình ảnh, phân công nhau để thực hiện các công việc.
“Để hoàn thành 1 bức vẽ, từ khi phác họa đến hoàn thành khoảng 2-3 ngày. Chúng tôi tranh thủ những ngày nghỉ, ngày cuối tuần rảnh rỗi tập trung làm cho chu tất. Bởi đây là hoạt động đặc thù, dẫu các giáo viên khác có tích cực hỗ trợ nhưng chỉ có thể làm phụ, còn làm nên tác phẩm đẹp, hài hòa, sống động, vui tươi hay không đều do chính tay nghề của những giáo viên mỹ thuật lâu năm. Hướng tới, Tổ bộ môn Mỹ thuật huyện Thoại Sơn mong muốn sự quan tâm đồng hành của Phòng Giáo dục và Đào tạo trong hỗ trợ kinh phí tiếp tục thực hiện để không chỉ là vẽ lên các nhà vệ sinh, mà vẽ lên tất cả các phòng học, bức tường ngoài cổng các trường, phòng thư viện…” - thầy Trương Kỉnh Nhơn chia sẻ thêm.
Cùng sự đam mê và tâm huyết, thầy Lê Phước Toàn cũng mong muốn hoạt động vẽ tranh nghệ thuật ngày càng lan tỏa, không chỉ trong không gian trường học mà còn ở đường phố, những không gian sinh hoạt công cộng. “Tôi thấy các bạn đoàn viên, thanh viên tại TP. Long Xuyên đang vẽ tranh trang trí, làm đẹp cho các cột điện trên đường, nếu có sự chấp thuận và đầy đủ nguồn lực, mong rằng mô hình này sẽ triển khai tại huyện Thoại Sơn. Chúng tôi sẵn sàng góp sức, mang cả tình yêu và nghệ thuật để làm đẹp cho đời” - thầy Lê Phước Toàn cho biết.
TRÚC PHA