Thu hút FDI: Định vị các thành phần kinh tế bình đẳng trong xã hội

06/09/2019 - 19:21

Nghị quyết số 50-NQ/TW định vị thành phần kinh tế FDI bình đẳng và tuân thủ pháp luật Việt Nam như những thành phân kinh tế khác.

'Thu hút đầu tư FDI nếu không được lựa chọn sẽ không đạt mục tiêu kết nối và chậm chí còn chèn lấn khu vực kinh tế tư nhân.' (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu,” Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 do Bộ Chính trị ban hành chỉ đạo mục tiêu trong hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Để có thêm những nhận định xung quanh vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam,” ngày 6/9.

FDI đang tồn tại như ‘một ốc đảo’

Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ hoàn toàn ủng hộ Nghị quyết 50 và cho rằng, muốn thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả theo đó cơ cấu kinh tế cần chất lượng hơn cả ở đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ông Lộc thẳng thắn chỉ ra, số vốn đầu tư FDI/dân số của Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Singapore, song về chất lượng là chưa thành công khi hiệu quả của đầu tư FDI chưa tương xứng với số lượng dòng vốn chảy vào nền kinh cũng như đáp ứng sự mong đợi về tính lan tỏa về công nghệ hay liên kết, kết nối với khu vực doanh nghiệp trong nước.

[Thu hút FDI: Luật và chính sách không còn mang tính ‘khẩu hiệu']
“Thu hút đầu tư FDI nếu không được lựa chọn sẽ không đạt mục tiêu kết nối và chậm chí còn ‘chèn lấn’ khu vực kinh tế tư nhân,” ông Lộc nói.

Ông Lộc cho hay, khu vực FDI chiếm trên 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến – chế tạo, tỷ lệ xuất khẩu chiếm trên 70% trong tổng kim ngạch nhưng số công ty liên doanh chỉ chiếm 1/5 trong số doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp nước ngoài cho biết tỷ trọng mua hàng nội địa chiếm 28% nhưng số doanh nghiệp trong nước có quan hệ mua bán trao đổi lại không nhiều mà chủ yếu các doanh nghiệp FDI đang cung cấp cho

Chủ tịch VCCI đưa ra cảnh báo: “Có thể nói việc kết nối là không tốt, khu vực FDI đang tồn tại như ‘một ốc đảo,’ không bén rễ sâu trong nền kinh tế. Do đó, khi có những biến động, dòng vốn này hoàn toàn sẽ có thể rút ra khỏi Việt Nam.”

Đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị cũng nhìn nhận những thực trạng còn hạn chế trong đầu tư FDI. Nghị quyết số 50 chỉ ra, “số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn... Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư 'chui,' đầu tư 'núp bóng' ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.”

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, trong tổng số 350 tỷ USD vốn FDI đăng ký đã có 180 tỷ USD bơm vào nền kinh tế. Dư địa còn đến 170 tỷ USD chưa được thực hiện. Lý do khách quan là bởi độ trễ của dự án đầu tư, song có một phần khác đến từ những dự án ‘ảo’, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án đang ký vốn lớn song lại giải ngân rất thấp.

“Việc vào cuộc của các cấp, các ngành sẽ hạn chế được các dự án ‘vốn ảo’ với mục tiêu tìm kiếm các dự án có hiệu quả. Tuy nhiên, trách nhiệm chính trong việc lựa chọn thuộc về các chính quyền địa phương. Việc cấp phép và giấy chứng nhận đầu tư là của chính quyền địa phương, do đó họ có quyền xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn thu hút vốn đầu tư, lựa chọn các dự án xác đáng,’ vị Thứ trưởng này nói.

Giải pháp “vừa kéo vừa đẩy”

Mục tiêu cụ thể Nghị quyết 50 chỉ ra, dòng vốn đăng ký mới bình quân đạt 30-40 tỷ USD/năm, vốn thực hiện bình quân 20-30 tỷ USD/năm (giai đoạn 2021-2025) và tương ứng vốn đăng ký đạt 40-50 tỷ USD/năm, thực hiện 30-40 tỷ USD/năm (giai đoạn 2026-2030).

Thêm vào đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao sẽ tăng 50% (vào năm 2025) và 100% (năm 2030) so với năm 2018 cùng tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20%-25% như hiện nay lên mức 30% (năm 2025) và 40% (năm 2030).

Để đạt các mục tiêu đặt ra, Nghị quyết 50 đã đề ra nhiều giải pháp và theo ông Thắng là giải pháp “vừa kéo vừa đẩy” có thể giải quyết trúng và đúng những hạn chế nêu trên.

Vị Thứ trưởng cho rằng, cần có cái nhìn toàn diện hơn là chỉ nhắm vào con số rồi quy chụp đầu tư FDI ‘lấn át’ đầu tư trong nước và thay vì phê phán thì cần phải có các các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp trong nước.

Do đó, bên cạnh các chính sách thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường tính liên kết, liên thông, kết nối chuyển giao, mua sắm hàng hóa của doanh nghiệp trong nước, Nghị quyết 50 đồng thời quy định những “ràng buộc” quan trọng trong việc thu hút và giải ngân FDI trong giai đoạn tới.

“Theo cá nhân tôi, Nghị quyết 50 định vị thành phần kinh tế FDI bình đẳng và tuân thủ pháp luật Việt Nam như những thành phân kinh tế khác. Mục tiêu trong giai đoạn mới về vốn đăng ký và vốn thực hiện là ‘quan hệ hữu cơ’ với nền kinh tế, theo đó khu vực FDI sẽ thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển trong xã hội,” ông Thắng nhấn mạnh.

Theo HẠNH NGUYỄN (Vietnam+)