Qua 60 ngày ương trong ao đất, cá cóc phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt trên 70%
Tính cấp thiết
An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó nghề nuôi trồng thủy sản chiếm vai trò quan trọng nhờ vào lợi thế sông Tiền, sông Hậu và mùa nước lũ hàng năm. An Giang là một trong 3 tỉnh đứng đầu phát triển các loài thủy sản nước ngọt (cá tra, cá ba sa, tôm càng xanh), được xem là loài thủy sản chủ lực phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, do thị trường trong nước và quốc tế không ổn định, giá cả thức ăn trong chăn nuôi ngày càng tăng dẫn đến chi phí đầu tư cao, sự đòi hỏi khắt khe trong việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất khẩu làm cho các đối tượng nuôi này phát triển không bền vững.
Từ những vấn đề bất cập trên, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá chạch lấu, cá chình, cá heo, lươn đồng, cá mè hôi, cá sát, cá chốt sọc…
Đặc biệt, là cá cóc nuôi trong hệ thống lồng bè là mô hình được nhiều người quan tâm. Đây là mô hình có khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, ít tốn công lao động, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.
Từ năm 2005, quy trình sản xuất giống cá cóc được nghiên cứu thành công từ dự án “Nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ của hợp phần SUFA, giai đoạn 2001 - 2005” tại Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ. Tuy nhiên, đến nay, nguồn cá giống cung cấp cho người nuôi còn nhiều hạn chế. Do nguồn cá cóc bố mẹ thuần dưỡng từ tự nhiên rất ít, chỉ nhằm mục đích nghiên cứu, bảo tồn gen, chưa phát triển nuôi để cung cấp nguồn cá thương phẩm cho xã hội.
Nhu cầu cao
Hiện nay, nghề nuôi cá nước ngọt phát triển, nên nhu cầu về cá giống ngày càng đa dạng. Ở An Giang, cá cóc chưa được người nuôi quan tâm nhiều, đa số cá giống được thả nuôi ghép với các loài cá khác để tận dụng thức ăn thừa trong ao, bè. Cá chậm lớn hơn các loài cá khác, tốn nhiều thời gian và công chăm sóc nên người dân chưa ưa chuộng. Các hình thức nuôi ghép chủ yếu là ghép với cá điêu hồng, cá ba sa, cá he, cá hú…
Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường tiêu thụ cá đặc sản dưới dạng sản phẩm cá tươi sống đang dần phát triển, đặc biệt là thị trường TP. Hồ Chí Minh và Campuchia. Do đó, người nuôi chuyển dần sang nuôi các đối tượng cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá hô, cá sát sọc, cá bông lau…
Trong đó, cá cóc đang được nhiều người dân tìm mua. Hiện nay, công nghệ nuôi loài cá này được người nuôi cải tiến rất nhiều nên hiệu quả kinh tế mang lại tương đối khả quan.
Từ thực trạng trên, Trung tâm Giống thủy sản An Giang thực hiện dự án “Thử nghiệm xây dựng mô hình sản xuất giống cá cóc tại An Giang” làm cơ sở khoa học để phát triển mô hình này, giúp người nuôi cá chuyển đổi đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Việc ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống cá cóc tại An Giang sẽ đáp ứng nhu cầu giống cho người nuôi và cung cấp giống cho chương trình thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhằm đa dạng hóa các giống cá bản địa thả về tự nhiên.
ThS Tăng Hoàng Vinh (Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang) cho biết: “Với sự hỗ trợ của Viện nuôi trồng thủy sản II về kỹ thuật sản xuất giống, đến nay Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã cơ bản hoàn thành nội dung dự án.
Đến thời điểm này, đã sản xuất được 2,1 triệu con cá cóc bột và 428.000 con cá giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua 60 ngày ương trong ao đất, cá phát triển rất tốt, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Tới đây, trung tâm sẽ đề xuất nhân rộng mô hình, để nông dân An Giang tiếp cận quy trình mới này, nhằm cung cấp giống cá cóc ngày càng nhiều cho người nuôi”.
CHÂU AN