Thủ tướng chủ trì hội nghị của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

25/12/2022 - 11:07

 - Ngày 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh An Giang) chủ trì điểm cầu tỉnh An Giang. Cuộc họp còn kết nối trực tuyến đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, công tác chỉ đạo triển khai Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các địa phương thực hiện quyết liệt. Qua 1 năm triển khai, đã xây dựng 4 Nghị định của Chính phủ, 2 Thông tư của Bộ Công an, 3 Thông tư của Bộ Tài chính quy định các nội dung liên quan đến Đề án 06.

Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, có một số dịch vụ đạt tỷ lệ trực tuyến cao, như: Xác nhận chứng minh nhân dân 9 số đạt 100%, thông báo lưu trú đạt 98,3%, thủ tục làm con dấu mới đạt 92%, đăng ký thi online 93,1%...; ngành công an cung cấp 227 dịch vụ công trực tuyến với nhiều nội dung thiết thực. Đã tích hợp VneID trên Cổng dịch vụ công quốc gia tạo thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh An Giang

Về ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin; ứng dụng căn cước công dân gắn chip điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám,  chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế; đẩy mạnh các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt…

Về phát triển công dân số, đã cấp trên 76,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Các bộ, ngành, địa phương có nhiều hình thức tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…

Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu…

"Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chứ không phải dữ liệu của bộ, ngành nào. Tuy nhiên phải tính toán, thống nhất để đi đến hành động về việc đặt cơ sở dữ liệu quốc gia ở đâu để đảm bảo thuận lợi, an toàn, hiệu quả trong quản lý, khai thác, phát triển"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tại tỉnh An Giang, chuyển đổi số bước đầu đã có những đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành, phục vụ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ chính quyền điện tử; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, nhà nước được triển khai liên thông 4 cấp từ tỉnh đến huyện, xã và kết nối Trung ương.

Triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đã thực hiện kết nối, khai thác chính thức hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 8/25 dịch vụ công thiết yếu được triển khai trên hệ thống từ ngày 11/12/2022; còn lại 17/25 dịch vụ công được triển khai trên các hệ thống của Bộ, ngành Trung ương. 

Về triển khai các nhóm tiện ích thuộc Đề án 06/CP: Đến ngày 19/12, toàn tỉnh có 186/186 cơ sở y tế triển khai thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay bảo hiểm y tế, đạt 100%; đã thực hiện xác thực, đồng bộ 1.273.328/1.658.283 dữ liệu số định danh cá nhân/căn cước công dân với bảo hiểm y tế, đạt 76,79%. Hiện, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh tiếp nhận đầy đủ các trường hợp bệnh nhân đến khám bằng căng cước công dân có gắn chip và ứng dụng VssID, VNeID...

Kết quả thu nhận hồ sơ cấp căng cước công dân và định danh điện tử: Thu nhận hơn 1.847.010 hồ sơ (có 307.800 hồ sơ định danh điện tử), đạt 83,15%, còn 374.353 nhân khẩu chưa được thu nhận hồ sơ.

Về triển khai số hoá hồ sơ: Đang thử nghiệm hệ thống số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh…

UBND tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP. Trong đo, tập trung chỉ đạo thủ trưởng, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP tại đơn vị, địa phương; nâng cao tỷ lệ, số lượng người dân, doanh nghiệp đăng ký, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thuộc sở, ngành, địa phương phụ trách, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06 của Chính phủ…

Tin, ảnh: HỮU HUYNH