Ngoài công lập “gánh” hơn nửa số trẻ
Trẻ mẫu giáo trường Mầm non Sơn Ca 14, phường 13, quận Phú Nhuận. Ảnh (tư liệu) minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, thành phố có hơn 3.100 cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập, với hơn 300.000 trẻ theo học. Trong số đó, trẻ học tại cơ sở mầm non công lập là hơn 145.000, ngoài công lập là gần 160.000 trẻ. Bình quân mỗi năm Thành phố tăng gần 10.000 trẻ, vì vậy việc khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình trường lớp mầm non, nhất là mầm non ngoài công lập luôn được thành phố quan tâm, tạo điều kiện nhằm giảm bớt áp lực cho các trường mầm non công lập.
Ở những quận, huyện có khu chế xuất, khu công nghiệp như các quận Bình Tân, 12, Bình Chánh, thành phố Thủ Đức… dân số cơ học tăng nhanh và luôn biến động. Những địa bàn này có số công nhân lao động tập trung rất đông nên nhu cầu gửi con luôn lớn, nhất là trẻ từ 6 tháng tuổi. Do đó, quy mô trường, lớp ở những địa phương này liên tục tăng, nhất là cơ sở ngoài công lập.
Như tại quận Bình Tân, năm 2003, khi mới thành lập, quận chỉ có 30 cơ sở giáo dục mầm non, cả công lập và ngoài công lập với hơn 5.600 trẻ theo học. Đến nay, quận đã có 316 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 22.600 trẻ theo học. So với thời điểm mới thành lập, quận tăng 18 trường mầm non công lập và 269 cơ sở mầm non ngoài công lập. Hiện, các cơ sở mầm non công lập chỉ đáp ứng khoảng 33% số trẻ, còn các cơ sở ngoài công lập có khoảng 67% trẻ.
Không chỉ do các trường mầm non công lập quá tải, mà trên thực tế, ở nhiều nơi, chỉ tiêu trường công lập còn thiếu nhưng người lao động, nhất là công nhân lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn chọn gửi con ở cơ sở tư thục, dù học phí cao hơn. Nguyên nhân là do các cơ sở mầm non ngoài công lập có giờ giữ trẻ linh hoạt, phù hợp với thời gian làm việc và tăng ca của công nhân lao động.
Trường Mầm non Tân Tạo (quận Bình Tân) là một số những trường công lập nằm trong khu công nghiệp Tân Bình, được xây dựng để phục vụ nhu cầu gửi trẻ cho con công nhân trong khu công nghiệp cũng như dân cư tại địa bàn. Trường có khả năng đáp ứng 490 chỗ gửi trẻ, tuy nhiên, hiện trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Bà Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để học tại trường, trẻ chỉ cần có tạm trú trên địa bàn phường hoặc trong quận. Nhưng đến nay trường vẫn khó tuyển đủ chỉ tiêu. Thực tế, đa phần công nhân lao động gửi con ở các nhóm trẻ độc lập tư thục vì gần nhà và linh hoạt về thời gian giữ trẻ, phù hợp với điều kiện làm việc của họ hơn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đều có các trường mầm non công lập để công nhân gửi con; thành phố cũng thực hiện chính sách giữ trẻ ngoài giờ để công nhân yên tâm làm việc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các trường mầm non công lập khó đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân lao động, do công nhân thường phải tăng ca trong khi các trường công lập không thể đáp ứng việc giữ trẻ khi vượt quá khung giờ quy định.
Định hướng xã hội hóa phù hợp
Theo UBND quận Bình Tân, trong những năm qua, quận luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục, ngân sách chi cho giáo dục chiếm khoảng 50% chi thường xuyên của quận. Trong đó, quận tập trung cho công tác xây dựng trường lớp, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Trong khi đó, việc xã hội hóa gặp khó khăn do vướng quy định về quy hoạch đất giáo dục. Hiện nay có nhiều nhà đầu tư có nhà, đất hoặc thuê lại nhà, đất trong khu dân cư với diện tích lớn, đủ điều kiện mở trường học, nhưng hầu hết không thuộc quy hoạch trường học nên quá trình xã hội hóa giáo dục trên địa bàn quận rất khó khăn.
Tại huyện Nhà Bè, thời gian qua việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục luôn được huyện quan tâm, qua đó cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học và đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, diện tích của một số trường mầm non quy mô còn nhỏ, diện tích chưa đạt chuẩn, phòng học nhỏ hẹp nên việc quản lý, chăm sóc trẻ còn khó khăn. Hiện, huyện có 84 cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập với hơn 7.500 trẻ (4.000 trẻ học trường công lập, hơn 3.500 trẻ học cơ sở ngoài công lập).
Để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định triển khai chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế nhằm khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập. Đồng thời, cần “luật hóa” trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, phục vụ nhu cầu gửi trẻ cho công nhân lao động tại doanh nghiệp, tránh việc chỉ vận động, kêu gọi khiến hiệu quả không như mong đợi. Song song đó, Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi chuyên biệt dành cho các nhà đầu tư cho giáo dục dục và đào tạo. Thực tế, ngoài mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối thấp, thì các dự án giáo dục chưa được hưởng hỗ trợ đặc biệt nào trong quá trình đầu tư như về tìm kiếm địa điểm, về các thủ tục…
UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu điều chỉnh Nghị định 46 của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất giáo dục để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Bổ sung, hướng dẫn thủ tục giải quyết các trường hợp chuyển địa điểm, chuyển chủ trường, chủ nhóm lớp…
Về các kiến nghị này, đại diện Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã được Chính phủ giao nghiên cứu sửa đổi Nghị định 46 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, tiếp thu ý kiến từ các địa phương, dự thảo lần 1 về việc sửa đổi Nghị định này đã được xây dựng và chuẩn bị để lấy ý kiến. Trong đó, đề xuất của TP Hồ Chí Minh liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi xây dựng trường mầm non đã được Bộ gửi đến các bộ ngành liên quan xem xét, góp ý điều chỉnh.
Tại buổi giám sát về việc thực hiện chính sách giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP Hồ Chí Minh mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao việc thành phố thực hiện các chính sách phát triển giáo dục mầm non linh hoạt, sáng tạo. Thống nhất quan điểm cần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng lưu ý, mầm non là bậc học đặc thù, do vậy khi thực hiện xã hội hóa cần chú ý đến tính phù hợp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Cụ thể, bên cạnh việc phù hợp về thời gian giữ trẻ, thành phố có cơ chế để các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có được mức phí phù hợp với thu nhập của người dân, nhất là công nhân lao động có thu nhập thấp. Mặt khác, đầu tư cho giáo dục mầm non không chỉ đầu tư vào cơ sở vật chất mà phải tập trung cho cả đội ngũ giáo viên, không chỉ là về thu nhập mà còn là môi trường làm việc.
Theo THU HOÀI (TTXVN)