An Giang có 18 xã biên giới, 38 xã dân tộc (Khmer 28 xã, Chăm 10 xã) nằm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cuối năm 2017, toàn tỉnh có 7.295 hộ dân tộc thiểu số nghèo, 1.067 hộ cận nghèo.
Việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc được tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh và các nguồn lực khác thông qua các chương trình, dự án, như: chương trình 135 với tổng vốn 262,2 tỷ đồng đầu tư hơn 300 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ xã, hỗ trợ dịch vụ, trợ giúp pháp lý…
Với tổng kinh phí hơn 287 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng 5.420 căn nhà và 73 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3.395 hộ dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ đất ở cho 1.891 hộ, dạy nghề 7.680 lao động, hỗ trợ 1.516 lao động làm việc ngoài tỉnh…
Tịnh Biên, Tri Tôn là 2 huyện miền núi, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống. Nước sạch cho bà con miền núi bây giờ không còn là nỗi lo lắng như trước nữa. Thông qua các chương trình của Trung ương, tỉnh, nước sạch được đưa đến tận nhà bà con, nên người dân không còn phải lặn lội xa xôi gánh nước về như trước.
Chị Néang Na (ngụ xã Lương Phi, Tri Tôn) cho biết: “Hồi trước, mỗi ngày phải đi 4-5 cây số cõng nước về xài. Từ khi có nước máy, mình không còn phải vất vả nữa, dành thời gian để làm ăn, chăn nuôi tốt hơn”.
Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động xã hội
Thời gian qua, An Giang tích cực triển khai các mô hình và chính sách về bình đẳng giới, như: phối hợp phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” trong nam cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động; phối hợp thực hiện đề án chuyển đổi hành vi xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” các cấp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về giới, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Giáo dục, vận động phụ nữ xây dựng phẩm chất, đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đều có lồng ghép công tác tuyên truyền Luật Bình đẳng giới và hoạt động “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” vào các hoạt động tại đơn vị.
Hiện, số người là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng tăng. Qua khảo sát hơn 100 đơn vị, sở, ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (cuối năm 2017) cho thấy: có 1.195 đảng viên là người dân tộc thiểu số, 1.679 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (1.456 người Khmer), dân tộc Hoa 134 người, dân tộc Chăm 80 người; các dân tộc khác là 9 người.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Chau Anne cho biết: đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng đông, trong đó có nhiều phụ nữ. Qua đó cho thấy, phụ nữ trong đồng bào dân tộc thiểu số góp phần cống hiến sức lực, trí tuệ vào sự phát triển chung.
Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, những tập tục lạc hậu (tục “cấm cung”, định kiến giới tính, bất bình đẳng về giới…) trong đồng bào dân tộc thiểu số dần bị xóa bỏ. Người phụ nữ được tham gia các hoạt động xã hội, làm ăn mua bán, du học, tham gia văn hóa - văn nghệ…
Để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc cũng như công tác bình đẳng giới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền Luật Bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp đặc điểm từng dân tộc; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho phụ nữ, tạo cơ hội để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trong đời sống xã hội. Đồng thời, quan tâm nhiều hơn đến công tác phụ nữ, nhất là nữ dân tộc thiểu số, có chính sách hỗ trợ để phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng phát huy vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH