Hiệu quả tích cực
An Giang từng được biết đến là “vựa lúa” của cả nước nhưng nghịch lý ở chỗ, không có nhiều nông dân làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình. Khi chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, quan điểm về cây lúa cũng phải thay đổi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, thay vì chạy đua về năng suất, sản lượng nhưng giá trị không cao, tỉnh quy hoạch lại các vùng trồng lúa chất lượng cao, phát triển các hợp tác xã kiểu mới có sự tham gia và liên kết với DN, xây dựng chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, nâng cao thu nhập của nông dân và lợi nhuận của DN. Với những vùng trồng lúa kém hiệu quả, tỉnh chuyển đổi sang rau màu, cây ăn trái - những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được 27.135ha rau màu, cây ăn trái, đạt 107% so kế hoạch chuyển đổi 25.336ha của UBND tỉnh (Quyết định 3410/QĐ-UBND, ngày 14/11/2017). Trên cơ sở này, ngày 26/8/2021, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định 1994/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu chuyển đổi 37.557ha (rau, dưa các loại 7.932ha; cây màu 12.764ha; cây ăn trái 16.861ha).
Đến nay, kết quả thực hiện hàng năm đều vượt chỉ tiêu. Năm 2021, đã thực hiện chuyển đổi hơn 5.994ha (đạt 111,8% kế hoạch); năm 2022 dự kiến diện tích chuyển đổi tăng lên 6.054ha. “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập ổn định cho nông dân. Nguyên nhân do giá bán sản phẩm cây màu, cây ăn trái, rau dưa các loại cao hơn lúa, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như thu hái ớt, rau muống…” - ông Nguyễn Sĩ Lâm đánh giá.
Khắc phục khó khăn
Dù thu được những kết quả nhất định nhưng theo Sở NN&PTNT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn An Giang vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đến nay, vẫn chưa có dự báo về nhu cầu sản phẩm rau màu (số lượng, chủng loại, giá cả, khả năng tiêu thụ trong nước, dự kiến xuất khẩu) nên nông dân chưa yên tâm sản xuất, gây khó khăn cho địa phương về quy hoạch chuyển đổi.
Thực tế, việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều nhà máy chế biến trái cây, rau màu; chưa có nhiều DN bao tiêu sản phẩm. Một số trường hợp, DN và nông dân chưa gặp nhau khi DN đòi hỏi người dân phải sản xuất với số lượng lớn nhưng không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ.
“Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nông dân đồng tình ủng hộ cao, nhưng các công trình nạo vét kênh, mương bị bồi lắng, công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi trên các tiểu vùng chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động của hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn trong công tác thu nợ, còn nợ đầu tư trạm bơm điện, kinh phí nạo vét các công trình nhỏ phục vụ cho chuyển dịch. Hiện nay, sản xuất còn nhỏ lẻ, việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung chưa nhiều, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, kiểm soát chất lượng, tiêu thụ nông sản...” - ông Lâm nhận định.
Thực tế hiện nay, sản phẩm cây màu còn có giá bấp bênh, không ổn định, chưa có nhiều DN đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, máy móc phục vụ trồng màu ít được nông dân đầu tư do giá quá cao, tình trạng thiếu nhân công lao động trong thu hoạch khi thực hiện trên diện tích lớn đang xảy ra. Đây là nguyên nhân làm cho việc chuyển đổi từ cây lúa sang cây màu gặp nhiều khó khăn.
Để triển khai thực hiện tốt Quyết định 1994/QĐ-UBND của UBND tỉnh, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giúp chính quyền địa phương và các đơn liên quan nắm chắc việc thực hiện chuyển đổi, hướng dẫn nông dân lựa chọn cây trồng chuyển đổi phù hợp với điều kiện đất đai, tập quán canh tác và có thị trường ổn định. Trong đó, chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, không để úng cục bộ; lên băng liếp thông thoáng, liên vùng sản xuất không nên bố trí lúa màu đan xen. Cần tiếp tục đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
“Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp quy hoạch phát triển các giống cây trồng trên từng địa phương, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm linh hoạt theo yêu cầu của thị trường và DN. Các địa phương cần tăng cường mời gọi đầu tư, khuyến khích liên kết DN với tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”- Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý.
Ngành nông nghiệp An Giang đang rà soát các vùng trồng rau màu, cây ăn trái tập trung để hỗ trợ cấp mã số vùng trồng (code), xem đây là điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
|
NGÔ CHUẨN