Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

11/07/2022 - 21:31

Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội xâm”. Để “không muốn, không dám và không thể tham nhũng”, công tác cán bộ được xem là gốc rễ của vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (giữa) trong kỳ họp quốc hội

Làm việc phải bài bản, kiên trì

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cho biết, khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (trực thuộc Bộ Chính trị năm 2012) thì công tác này chuyển biến về chất, đi vào chiều sâu, thực hiện rất quyết liệt, toàn diện, hiệu quả cao. Từ cuối nhiệm kỳ khóa XII, đầu nhiệm kỳ khóa XIII, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng được đẩy lên một nấc mới. Nhiều đại án được đưa ra xét xử, thể hiện rất rõ tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và không còn chuyện “hạ cánh an toàn” nếu phát hiện có vi phạm. Đây là những sự việc chưa từng có, cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng và nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần xác định tham nhũng là “quốc nạn”,  “giặc nội xâm”, là một trong 4 nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng, chế độ. Do đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng 10 năm qua khẳng định, dù khó khăn đến mấy, có quyết tâm cao và cách làm đúng, bài bản ắt sẽ thành công. Đơn cử, mới đây nhất, những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao với sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên đã được xử lý nghiêm khắc, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc cam go, phải kiên trì, bền bỉ và bài bản, phải hết sức thuyết phục. Không ít cán bộ, đảng viên sai phạm khi bị kỷ luật, lúc đầu còn quanh co, chối tội nhưng sau đó đều nhận thức sai phạm và “tâm phục, khẩu phục”.

Tiến cử sai người phải bị nghiêm trị

Thông điệp của Tổng Bí thư nêu nhiều vấn đề về chủ trương, giải pháp, kiểm soát quyền lực bằng những quy định pháp luật cụ thể, đặc biệt các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, như: Tổ chức nhân sự, tài chính, quản lý đất đai… Kiểm soát quyền lực là xác định vai trò trực tiếp của người đứng đầu, trách nhiệm của cá nhân trong tập thể. Để cán bộ “không thể tham nhũng” phải có chế tài mạnh mẽ, trừng trị sai phạm phải nghiêm. Đồng thời, đặt ra tiêu chuẩn chức danh về tài, đức cho từng vị trí cụ thể để người không đủ năng lực phải tránh xa, không thể và không được đưa vào làm cán bộ, nhất là quản lý, lãnh đạo. Nếu được, cần quy định người tiến cử, bổ nhiệm nhân sự phải chịu trách nhiệm, thậm chí, xử lý hình sự nếu chọn nhân sự kém tài, kém đức gây ra sai phạm, cần quy định về trọng dụng người tài, đức. Bởi gốc rễ chọn người tài, đức, liêm chính, công tâm phần lớn xuất phát từ công tác cán bộ.

Theo Tổng Bí thư, bên cạnh những kết quả rất đáng tự hào, cần nhìn thẳng vào những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, có lúc, có nơi dẫn đến sự quá tải công việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cá biệt, thay vì kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức Đảng, đảng viên thì không ít trường hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn phải “với tay” xuống cả cấp huyện để kiểm tra, xử lý”. Và một hạn chế được nhắc nhiều, đó là hầu hết các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực chủ yếu được “khui” ra từ dư luận nhân dân và báo chí. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Có trường hợp, cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thậm chí, có nơi còn bao che, hợp thức hóa vi phạm. Đây vẫn là công tác lựa chọn cán bộ. Chủ thể của tham nhũng là người có chức vụ, nắm giữ quyền lực, gốc rễ từ chọn lựa nhân sự. Vì vậy, phải trừng trị nghiêm những ai đưa kẻ có sai phạm, thiếu tài, thiếu đức vào bộ máy nhà nước. Tiến cử người làm quản lý, lãnh đạo lừa dân, dối Đảng phải bị nghiêm trị.

2 lưu ý về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được xem là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương nhằm giải quyết kịp thời bức xúc tồn đọng trong dân, những vấn đề tiêu cực, tham nhũng ở địa phương. Tuy nhiên, cần lưu ý 2 vấn đề.

Nếu trưởng ban không trong sạch, thậm chí trót “nhúng chàm” thì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương sẽ có kết quả ngược lại. Thứ hai, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, vì nếu trưởng ban độc đoán, chuyên quyền hoặc lộng hành thì chức danh trưởng ban chỉ đạo này có khi lại là “bàn đạp” để củng cố quyền lực, biến Ban chỉ đạo cấp tỉnh thành công cụ hợp thức hóa và xây dựng “vây cánh” cho họ. Thậm chí, không loại trừ trường hợp những cá nhân này sẽ thao túng, khống chế, trù dập người tài đức, người dám đứng lên đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là những điều cần cảnh giác.

Về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, đột phá vì cái chung, Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị đã nêu, nhưng chưa đi vào thực tiễn. Thực tế, có cấp ủy Đảng lợi dụng kẽ hở bóp méo các quy định, trù dập, hãm hại cán bộ dám đấu tranh; lợi dụng quyền lực để bổ nhiệm, đề bạt những người không đủ phẩm chất. Quan trọng nhất là phải lựa chọn đúng người thực tài, thực đức vào các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời trừng trị nghiêm hiện tượng gian lận, man trá trong tiến cử nhân sự. Có như vậy mới đủ sức răn đe, tránh tình trạng “vây cánh, lợi ích nhóm” trong hệ thống chính trị. Đây cũng là biện pháp phòng nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Phòng, chống tham nhũng chỉ đạt hiệu quả khi “trên - dưới đồng lòng, dọc - ngang thông suốt”, điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

N.R