Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

10/03/2020 - 05:53

Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là mục tiêu mà ngành nông nghiệp TX. Tân Châu (An Giang) đề ra từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Kết quả bước đầu

Nhận thức được vấn đề này, ngay từ khi có Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung, TX. Tân Châu nói riêng nhanh chóng tiếp cận vấn đề, tiến hành quy hoạch lại các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ tốt để xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả.

Cụ thể trong thu hoạch lúa, nhằm giảm bớt tổn thất sau thu hoạch, địa phương đã hỗ trợ vốn cho bà con nông dân để mua máy gặt đập liên hợp, máy sấy lúa. Còn trong giai đoạn lúa phát triển, TX. Tân Châu đã vận động nông dân áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm”; chọn giống xác nhận để làm lúa giống gieo sạ trong mỗi mùa vụ. Từ cách làm này, hiệu quả, năng suất trong canh tác thay đổi rõ rệt. Chất lượng gạo được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

“Chúng tôi xác định, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương bao gồm: lúa, cá tra, rau màu, cây ăn trái, nấm ăn. Từ việc xác định này, Tân Châu đã quy hoạch mỗi loại sản phẩm gắn với một địa phương, một vùng đất…” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng chia sẻ.

Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, ớt cho năng suất lên đến 10 tấn/ha

Điển hình như các xã: Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Phú Lộc, Tân Thạnh được quy hoạch là vùng trồng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; các xã: Phú Vĩnh, Lê Chánh, Long An, ngoài cây lúa còn trồng hoa kiểng và rau màu. Khi quy hoạch được vùng sản xuất, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhà nước sẽ hỗ trợ bà con nông dân xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất như: hạ tầng về thủy lợi kết hợp giao thông; hạ thế điện để bơm nước phục vụ sản xuất.

Với giải pháp này, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả cho năng suất, chất lượng cao đã ra đời như: mô hình ươm các loại cây giống trong nhà màng của nông dân Lưu Văn Nhanh (xã Phú Vĩnh); lợi nhuận bình quân của mô hình này trên 250 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của nông dân Hồ Thanh Tuấn (xã Vĩnh Xương) cùng nhiều mô hình khác.

Định hướng

“Khi áp dụng công nghệ cao (nhà màng) vào trồng dưa lưới, tôi thấy mô hình này cho hiệu quả rất cao. Ưu thế của mô hình là hạn chế tình trạng sâu bệnh gây hại, điều tiết được nhiệt độ cho cây trồng trong từng giai đoạn sinh trưởng. Sản xuất trong thời buổi biến đổi khí hậu thì việc này rất cần thiết. Sản phẩm sử dụng công nghệ cao, một mặt chất lượng được nâng lên, giá thành sản xuất hạ thấp, sản phẩm mang tính đồng đều cao, rất dễ bán” - ông Tuấn chia sẻ.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như: xây dựng nhà màng lưu giữ, cho cá tra bố mẹ sinh sản đã hạn chế được sự tác động của khí hậu đến quá trình sinh trưởng của cá, nhất là giai đoạn cho cá đẻ trứng, ương cá bột lên cá hương, từ cá hương lên cá giống. Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất cá tra giống đã làm cho con giống mạnh khỏe, sạch bệnh, tỷ lệ sống cao, tỷ lệ nạc khi mang đi fillet đạt yêu cầu của doanh nghiệp.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, TX. Tân Châu đã đưa ra một số định hướng, giải pháp như: tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp đã được duyệt, nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình sản xuất ở từng vùng, địa phương, nhất là phát triển nuôi trồng thủy sản, các vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái, góp phần chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị tuyệt đối của từng lĩnh vực.

“Địa phương sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng chất hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động liên doanh, liên kết để các tổ chức này trở thành hạt nhân trong các quan hệ sản xuất, là đầu tàu đi lên sản xuất lớn, từng bước trở thành chủ thể đại diện cho nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” - ông Bùi Thái Hoàng thông tin.

“Thực tế cho thấy, khi nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì cây trồng, vật nuôi đều cho năng suất và chất lượng tốt hơn so với những mô hình sản xuất bình thường. Những nông dân đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đều có đời sống và thu nhập ổn định” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê khẳng định.

MINH HIỂN