Tiêu thụ tốt sản phẩm nhờ liên kết

08/04/2019 - 08:09

 - Những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh bước vào cao điểm vụ thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019. Năm nay, do giá lúa giảm mạnh, nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân liên tục bị phá vỡ. Song, với những hộ trồng lúa Nhật, mối liên kết được giữ vững và sản phẩm làm ra được Công ty TNHH Angimex - Kitoku tiêu thụ tốt.

Sản xuất theo hợp đồng

“Sở dĩ mối liên kết giữa Công ty TNHH Angimex - Kitoku với nông dân trồng lúa Nhật 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang được bền vững suốt thời gian qua, theo tôi có 2 yếu tố chính. Công ty luôn giữ chữ “tín” với nông dân. Cụ thể, công ty ký hợp đồng sản lượng, giá bao nhiêu đều thực hiện đúng. Nông dân tham gia trồng lúa Nhật có hiệu quả cao, đặc biệt đối với những hộ làm giống hiệu quả rất tốt so với người sản xuất lúa ở bên ngoài. Chính việc đảm bảo quyền lợi của 2 bên là sợi chỉ đỏ, kết nối 2 đối tác lại với nhau…” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phú Đông (Thoại Sơn) Lê Thanh Tùng phân tích.

Năm 2018, Công ty TNHH Angimex - Kitoku đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang với diện tích sản xuất 2.863ha, đạt 72% kế hoạch. Tất cả nông dân trồng lúa Nhật được công ty ký hợp đồng ngay từ đầu vụ, đồng thời công ty công bố giá thu mua cùng những chính sách áp dụng vào đầu vụ mới. Như vậy, ngay sau khi ký hợp đồng, nông dân đã biết mức lợi nhuận của mình là bao nhiêu. “Tôi tham gia trồng lúa Nhật từ năm 2004 đến nay, chưa năm nào công ty bỏ chúng tôi, điều này cho thấy, mối liên kết tiêu thụ sản phẩm này rất tuyệt vời” - bà Nguyễn Ngọc Nở (xã Mỹ Phú Đông, Thoại Sơn) thông tin

Theo bà Nở, năm nào công ty có chế độ thưởng cho những nông dân gắn bó lâu dài với công ty, chất lượng sản phẩm làm ra đạt yêu cầu, năng suất đảm bảo đúng hợp đồng; đặc biệt là những hộ đảm bảo quy trình sản xuất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, công ty thưởng thêm 200 đồng/kg lúa sạch. Các địa phương trong tỉnh có diện tích trồng lúa Nhật nhiều hiện nay là Tri Tôn (723ha), Thoại Sơn (380ha), TP. Long Xuyên (305ha), Châu Phú (88ha). Tất cả các hộ có ký hợp đồng với công ty, đều được thu mua hết sản lượng lúa đã ký.

Tiêu thụ tốt sản phẩm nhờ liên kết

Tiêu thụ tốt sản phẩm nhờ liên kết

Với giá bán 7.200 đồng/kg, bình quân mỗi ha lúa Nhật nông dân thu lãi ít nhất 35 triệu đồng

Biết trước mức lợi nhuận

“Từ ngày tham gia trồng lúa Nhật đến nay, đời sống của gia đình tôi ổn định. Giá thu mua công ty công bố ngay từ đầu vụ, hộ nào sản xuất đạt các tiêu chí do công ty đề ra như: độ ẩm, độ lẫn, đảm bảo đúng quy trình, không sử dụng thuốc ngoài danh mục… sẽ được thưởng thêm tiền. Đối với những hộ đăng ký sản xuất theo quy trình trồng lúa sạch thì sản phẩm làm ra, công ty thưởng thêm 200 đồng/kg” - ông Nguyễn Tấn Xuyên (nông dân trồng lúa Nhật xã Mỹ Phú Đông) thông tin.

Gia đình ông Sơn tham gia trồng lúa Nhật từ năm 2009, trên diện tích 1,7ha, bình quân mỗi vụ ông lãi trên 60 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận lý tưởng trong bối cảnh tình hình tiêu thụ lúa gặp khó khăn như hiện nay. Hiện, giá lúa công ty ký hợp đồng bao tiêu với nông dân (giống Hananomai) là 7.200 đồng/kg (lúa lương thực) và 8.900 đồng/kg đối với lúa giống. Bình quân mỗi công lúa, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi thấp nhất 3 triệu đồng/công. Giá biết trước, hợp đồng bao tiêu đã ký, mức lợi nhuận mỗi vụ phụ thuộc vào tay nghề và giá vật tư biến động. “Sản xuất theo phương thức liên kết, bao tiêu sản phẩm đã giúp nông dân an tâm, doanh nghiệp chủ động nguồn hàng để xuất khẩu. Năm nào công ty ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu thì năm đó, công ty thông báo tăng diện tích sản xuất. Ngược lại, năm nào hợp đồng xuất ký ít, năm đó công ty thông báo cho nông dân giảm diện tích sản xuất. Điều này có nghĩa, công ty và nông dân sản xuất theo tín hiệu của thị trường” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phú Đông Lê Thanh Tùng nhận định.

Sản xuất theo hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm là con đường phát triển mang tính ổn định và bền vững. Thực hiện hình thức này, mỗi khi đến vụ thu hoạch, nông dân không phải lo toan, tìm thương lái để mua lúa. Thay vào đó, nông dân tự tin, chở lúa đến kho (do công ty chỉ định) để giao và nhận tiền.

“Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định với diện tích mỗi vùng từ 50-100ha để trồng lúa Nhật; tiếp tục củng cố, tổ chức lại các hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất để công ty có thể hợp tác, thực hiện kế hoạch sản xuất; phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng” - ông Hiroshi Sanuki, Giám đốc Công ty TNHH Angimex - Kitoku kiến nghị.


Bài, ảnh: MINH HIỂN