Tìm ký ức trong những bức thư ngả màu thời gian...

06/01/2018 - 16:44

Thư viết tay có lẽ cũng là một trong những điều có từ 'thời ông bà' mà ngày nay rất hiếm gặp. Thời đại công nghệ lên ngôi giúp con người xóa nhòa khoảng cách địa lý, những người cách xa nhau hàng trăm nghìn cây số cũng dễ dàng, nhanh chóng kết nối, liên lạc chỉ qua phím điện thoại. Cũng vì thế mà nhiều người trẻ sẽ không biết đến cảm giác hồi hộp, thấp thỏm ngóng chờ tin ai hàng tuần, hàng tháng trời qua lá thư tay.

Bất chợt nhìn thấy ở đâu đó một lá thư tay bị mối mọt gặm nhấm, hay đã ngả vàng, loang ố màu thời gian... là như thấy được thời ông bà, bố mẹ mình đã sống. Những lá thư là phương tiện truyền tin duy nhất để mọi người giữ liên lạc và biết được tình hình của nhau, nhất là với người ở xa. Vì thế, hầu như lá thư nào cũng dài, cũng ngồn ngộn cảm xúc và đầy những thông tin.

Trước sự “hùng mạnh” của công nghệ, giờ đây thư viết tay giờ đã trở thành hoài niệm, nét duyên thầm của một thời đã xa. Những hoài niệm, những ký ức về đời sống xã hội khoảng 40 – 50 năm về trước, khi lá thư tay là cầu nối gần như duy nhất giữa cha mẹ và con cái, giữa những cặp tình nhân ở xa nhau, giữa bạn bè... sắp được dịp quay trở lại trong triển lãm thư viết tay mang chủ đề “Về một thời ngây ngô” sắp tới.

Tìm ký ức trong những bức thư ngả màu thời gian...

Thư của Phùng Quán chép tặng bạn tháng 3 năm 1991

Tìm ký ức trong những bức thư ngả màu thời gian...

Những lá thư tay thú vị trong vòng 100 năm được sưu tập góp nhặt, trong đó có nhiều bức thư của nhiều nhà trí thức gửi nhau (như thư Trần Dần gửi Dương Tường, thư của Mộng Tuyết gửi bạn, thư từ trong nhà Vương Hồng Sển...), cả những bức thư tình, trao đổi về công việc của những con người bình thường... sắp hội ngộ trong một triển lãm để nhớ về thời xưa chắc chắn sẽ khiến thế hệ trước sống dậy vô vàn cảm xúc và kỷ niệm. Đồng thời, nó cũng giúp “thế hệ @”, “thế hệ công nghệ” trẻ ngày nay phần nào hình dung được cảm giác hạnh phúc, xúc động khi cầm từng lá thư viết tay.

Những câu chuyện được ghi lại trong từng lá thư tay cũng sẽ giúp công chúng hiểu hơn về thế hệ ông cha ta ngày trước, trọng nghĩa tình, sống giàu tình cảm và cũng rất thơ mộng, lãng mạn dù đời sống còn khổ cực, thiếu thốn.

Tìm ký ức trong những bức thư ngả màu thời gian...

Nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết: “Khi viết tay, ý nghĩ, tâm trạng, tình cảm chuyển từ thâm tâm lên mặt giấy, không gián đoạn như một cuộc chạy tiếp sức. Khi viết tay, mỗi ký tự đặt xuống mặt giấy là một luồng năng lượng. Mà suy cho cùng, một tình yêu, một tình thương, một niềm cảm mến gửi cho nhau là muốn người nhận lấy được cái hồn, đâu phải để nhận một thông tin. Thế thì chỉ có viết tay, chỉ cách đó thôi để người ta giãi bày, thổ lổ cảm xúc một cách kín đáo, ý nhị nhất. Hồn chữ chở hồn tình”.

Có lẽ, thư viết tay từng là một trong những cách giao tiếp đẹp đẽ nhất giữa người với người vì có thể giảm thiểu sự xung đột với nhau. Khi viết điều gì đó ra giấy và gửi đi, mọi thứ đều chậm lại vài nhịp, nếu có giận dữ thì cũng nhẹ hơn rất nhiều.

Đại diện ban tổ chức triển lãm thư viết tay chia sẻ, trong các dịp gặp gỡ nhiều trí thức, các nhà sưu tầm hay những gia đình bình thường có tủ sách lớn thì đều thấy họ có lưu trữ một lượng thư tay qua nhiều thời kỳ, nhiều năm tháng. Có gia đình vẫn giữa thói quen viết thư tay cho nhau, đặc biệt khi muốn nhắn gửi yêu thương, hay chia sẻ bất cứ điều gì. Bằng cách đó, Và họ truyền lại thói quen viết thư thay từ đời này qua đời khác như một sinh hoạt nếp nhà. Dù những lá thư tay không còn phổ biến, nhưng một nét đẹp trong cuộc sống vẫn được lưu truyền tự nhiên và lặng lẽ, bền bỉ khiến nhiều người xúc động.

“Tôi muốn chia sẻ một vẻ đẹp lặng lẽ ấy qua lần trưng bày này. Tôi hi vọng người xem có thể hình dung được nhiều giai kỳ của việc viết lách, chữ nghĩa ở Việt Nam, đồng thời thấy được sự cầu kỳ của việc viết thư tay xưa kia như in giấy viết thư riêng, có dấu mộc hoặc hình vẽ, khổ giấy đặc trưng...”, đại diện BTC nói.

Triển lãm thư viết tay trong 100 năm qua “Về một thời ngây ngô” sẽ được khai mạc lúc 14 giờ ngày 7-1 và kéo dài đến hết ngày 7-2 tại A Letter Home (Tân Ấp, Ba Đình, Hà Nội).

Theo THU THỦY (Sống Mới)