Tình yêu thương, phép màu chữa trầm cảm

12/12/2023 - 06:24

 - Bệnh trầm cảm nếu không phát hiện sớm và có giải pháp giúp đỡ, người bệnh dễ đi vào bế tắc, tự hủy hoại bản thân. Những vụ việc học sinh, giáo viên tự tử do trầm cảm gần đây là bài học đắt giá, là tiếng chuông cảnh tỉnh các gia đình cần quan tâm đến đời sống tinh thần của con em, người thân mình nhiều hơn.

Tháng 10 vừa qua, vụ một nữ sinh ở huyện Châu Phú có biểu hiện tâm thần không ổn định và nhảy cầu tự tử khiến dư luận xôn xao. Mới đây, một cô giáo mới 25 tuổi quê An Giang đang công tác tại tỉnh Đồng Tháp treo cổ tự tử, nguyên nhân nghi do trầm cảm.

Từ thực tế trên cho thấy, căn bệnh trầm cảm đang len lỏi vào đời sống của mỗi cá nhân, nhất là với người trẻ. Theo Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục Trần Thị Huyền (Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang), tình trạng học sinh bị tự kỷ, trầm cảm hay có khuynh hướng bạo lực có rất nhiều nguyên nhân, có thể nguyên nhân sâu xa từ hoàn cảnh sống thiếu may mắn khi các em thiếu tình yêu thương của cha hoặc mẹ ngay từ nhỏ, sống xa cha mẹ, phải nương nhờ ông bà, cha mẹ ly hôn hay chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, hoặc chính bản thân các em bị bạo lực đến từ phương pháp giáo dục thiếu khoa học của cha mẹ.

Các em có thể chịu nhiều sự áp đặt từ cha mẹ, giáo viên, thiếu cơ hội bày tỏ quan điểm và được tôn trọng quan điểm cá nhân, lựa chọn nghề nghiệp tương lai… Những nỗi buồn thầm kín, sự bất lực, cảm xúc tiêu cực dồn nén lâu ngày sẽ làm các em thay đổi tính tình, không muốn kết nối với bạn bè, gia đình xung quanh.

Hoạt động thanh niên, tình nguyện giúp kết nối, chữa lành tâm hồn người trẻ

Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội như là “điểm tựa” tinh thần, giúp các em khuây khỏa, thế nhưng nếu không được trang bị kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội, các em cũng sẽ dễ dàng bị tác động, lôi kéo, kích động, bạo lực tinh thần trên không gian mạng. Ngay khi các em ý thức tình trạng tiêu cực của bản thân nhưng do mất kết nối với gia đình, người thân, bạn bè, các em càng e ngại chia sẻ. Sự thiếu thông tin về bộ phận tư vấn học sinh - sinh viên làm các em không thể tiếp cận kênh để chia sẻ.

Trong nhịp sống hiện đại, đặc biệt từ sau dịch COVID-19, vấn đề sức khỏe tinh thần của người dân ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều gia đình mất việc sau dịch bệnh và từ sự thu hẹp các ngành nghề sản xuất. Từ đó, gây nên nhiều bất ổn, xáo trộn trong đời sống gia đình, càng làm tăng thêm nguyên nhân gây nên những vấn đề tâm lý cho người trưởng thành và cả người trẻ.

Bên cạnh đó là sự thiếu kiến thức, nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề tâm lý. Khi gặp các vấn đề tâm lý, nhiều người ngại chia sẻ với người thân hoặc tìm đến cơ sở y tế uy tín, bởi quan niệm “chỉ có người tâm thần mới vào viện tâm thần”, điều này càng bỏ lỡ cơ hội điều trị căn bệnh trầm cảm giai đoạn đầu cho người bệnh.

Thầy Trương Chí Hùng (giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang) cho rằng, giải pháp trước mắt nên là sự yêu thương. Chúng ta thấy những ai được yêu thương, thấu hiểu, chia sẻ từ gia đình và người xung quanh thì thường họ sống rất lạc quan. Ngược lại, những người cô đơn, thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc, thiếu sự đồng cảm sẻ chia, sẽ dễ dẫn đến chứng trầm cảm. Vì vậy, trong môi trường từ gia đình, học đường, nơi làm việc, và rộng hơn là không gian xã hội nói chung, mỗi người chúng ta cần dành cho nhau những tình cảm yêu thương, để không ai rơi vào cảm giác lạc lõng rồi trở thành nạn nhân của trầm cảm và nhiều hội chứng nguy hại khác.

“Đối với những người đã có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh trầm cảm, họ cần phải được thăm khám, chẩn đoán từ các chuyên gia y tế, qua đó có liệu pháp can thiệp phù hợp. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của người thân đóng vai trò quan trọng đối với họ. Qua tiếp xúc với một số trường hợp trầm cảm, tôi nhận thấy họ thường có xu hướng “co” mình lại trong một thế giới riêng, rơi vào trạng thái tuyệt vọng, mất niềm tin với mọi thứ, cảm giác như không ai có thể thấu hiểu và chia sẻ được với họ.

Mặc dù vậy, khi chúng ta thực sự quan tâm đến họ, kiên trì động viên, trò chuyện, dần dần họ sẽ giải tỏa được sự căng thẳng. Nói cách khác, nếu người trầm cảm gặp được đúng người có thể lắng nghe, thấu hiểu, họ sẽ trút tâm sự và có khả năng giải phóng được những cảm xúc tiêu cực. Đó là vấn đề then chốt mà những ai có người thân đang trong trạng thái trầm cảm cần lưu tâm, nhằm sớm kéo họ ra khỏi vùng tối” - thầy Trương Chí Hùng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất, phương thuốc kỳ diệu nhất chữa bệnh trầm cảm hiện nay vẫn là sự quan tâm, yêu thương đúng cách từ gia đình, bởi lẽ hãy để cho người bị “tổn thương” ở đâu được “chữa lành” ở đúng nơi đó. Khi những vấn đề khúc mắc về tâm lý, tổn thương được chữa lành, người trẻ sẽ không còn những suy nghĩ tiêu cực, dần có niềm tin vào gia đình, nhà trường, xã hội, để từ đó “bám rễ” sâu hơn vào cuộc sống và sớm tìm lại tình yêu, lý tưởng cuộc đời.

Trên Báo An Giang điện tử đang có chuyên mục “Ông giáo Topping”, nhằm hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên, phụ huynh về nhiều vấn đề học đường, tâm sinh lý lứa tuổi, tư vấn định hướng nghề nghiệp… Ngoài những câu hỏi mà “ông giáo” trả lời, đăng công khai trên báo, có những câu hỏi kín đáo hơn, vẫn được lắng nghe và trả lời riêng. Địa chỉ tiếp nhận câu hỏi là onggiaotopping@gmail.com.


 NGỌC GIANG