Tôm, gà, cá, lợn, gạo, rau toàn triệu tấn, không thiếu do Covid -19

09/03/2020 - 14:02

Sau khi Hà Nội phát hiện ca bệnh đầu tiên nhiễm Covid -19 (bệnh nhân thứ 17), sau đó các ca bệnh tiếp theo được công bố, trong đó có bệnh nhân thứ 21, người dân có tâm lý tích trữ lương thực, thực phẩm, giấy vệ sinh. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, năng lực sản xuất, cung ứng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm của Việt Nam rất cao, đủ cho người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp đang đạt đỉnh nên hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước và còn dư thừa để phục vụ xuất khẩu.

Trong một cuộc làm việc với doanh nghiệp Liên bang Nga, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đang thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nên năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp đang rất cao và hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa nếu thị trường rộng mở.

Ngành nông nghiệp đảm bảo năng lực sản xuất lương thực, thực phẩm đang đạt đỉnh, các đơn vị cung ứng đảm bảo đủ số lượng, người dân không nên tích trữ do lo ngại dịch Covid - 19. Ảnh: I.T

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mỗi năm, Việt Nam sản xuất 50 triệu tấn lương thực; sản lượng thịt lợn, gà, bò khoảng 5,5 triệu tấn, 8 triệu tấn cá, 40 - 50 tấn rau quả; nhiều sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, hạt tiêu, điều, cao su… thuộc top đầu thế giới (cà phê 2 triệu tấn, tiêu 350.000 tấn, 1 triệu tấn cao su, 20 triệu mét khối gỗ phục vụ chế biến).

Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu nông sản tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD; trong đó thị trường lớn như Trung Quốc đạt 11 tỷ USD, Hoa Kỳ khoảng 10 tỷ USD, EU khoảng 6 - 7 tỷ USD…

Trước tâm lý lo ngại của người dân về hiện tượng khan hiếm hàng nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm do dịch Covid - 19 xuất hiện ở Hà Nội, khi liên tiếp xuất hiện bệnh nhân thứ 17, 18, 19, bệnh nhân thứ 21, đại diện các siêu thị cũng cho biết, sẽ tăng 3 - 4 lần nguồn cung thực phẩm để cung cấp cho người dân.

Đại diện Vincommecre cho biết, ngay từ những ngày đầu khi nhận được thông tin về diễn biến dịch bệnh Covid-19, hệ thống siêu thị đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân.

Hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hoá trên toàn thành phố Hà Nội và toàn quốc; đặc biệt tăng cường các hàng hoá thiết yếu thịt mát và lượng rau củ trong chuỗi sản xuất của đơn vị này vào toàn bộ hệ thống siêu thị. Người dân không nên đổ xô đi mua hàng, nguy cơ lây lan dịch Covid - 19.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích,... ) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

"Hiện việc kiểm soát dịch bệnh Covid - 19 và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng", Vụ Thị trường trong nước khẳng định.

Để chủ động lương thực thực phẩm cho người dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giao Vụ Thị trường trong nước chủ động bàn với các địa phương xây dựng kế hoạch, trong đó có những cam kết với doanh nghiệp địa phương bình ổn giá, cung cấp đủ hàng, không lợi dụng đẩy giá lên cao.

Đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang diễn ra thực tế tại địa phương. Đẩy mạnh giao dịch mua bán qua mạng để giảm bớt việc đông người tập trung tại nơi công cộng, gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid - 19 ra cộng đồng.

Theo Dân Việt