Cụ thể, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế tập trung giám sát phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi, đến, ở từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Tăng cường giám sát chặt người nhập cảnh đi, đến, ở từ vùng có dịch cúm A và phối hợp cùng các bộ phận kiểm dịch động vật trong giám sát gia cầm, thủy cầm vào Việt Nam qua cửa khẩu.
Đồng thời, Sở Y tế thành phố phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và chia sẻ thông tin liên ngành, xử lý ổ dịch cúm trên gia cầm theo quy định. Giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, hạn chế lây lan diện rộng. Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm và lấy mẫu kịp thời. Đảm bảo nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận, cách ly, điều trị kịp thời khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc cúm A (H5N1), hạn chế thấp nhất trường hợp trở nặng và tử vong.
UBND Thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh; phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh; giám sát tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh Cúm gia cầm cho đàn gia cầm; tiếp tục duy trì vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu giám sát chủ động trên đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao để xác định nguyên nhân gây bệnh, điều tra dịch tễ, kịp thời cảnh báo và phối hợp chính quyền địa phương xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật, thực hiện công tác tiêu độc sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào Thành phố; thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định. Phối hợp với cơ quan chuyên ngành thú y các tỉnh trong công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để gia cầm nhiễm bệnh vào địa bàn Thành phố.
UBND Thành phố cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, nhất là tại cửa ngõ giao thông ra vào Thành phố. Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cũng cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm gia cầm tại các chợ đầu mối; phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện, thành phố Thủ Đức kiểm tra nguồn gốc sản phẩm đông lạnh tại các kho bảo quản, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.
Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; xử lý các điểm kinh doanh, giết mổ không đúng quy định trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức bố trí các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn; phổ biến tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi hiểu rõ về những tác hại của dịch bệnh; tuân thủ các quy định về tiêm phòng, khai báo kiểm dịch, tiêu độc, sát trùng chuồng trại; thông tin sâu rộng đến người dân về nguy cơ, tác hại của bệnh cúm gia cầm; vận động người dân chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm của theo quy định, trong đó tập trung tại các khu dân cư, các điểm kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm; khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, đã kiểm dịch.
Các địa phương quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn, hướng dẫn người chăn nuôi kê khai hoạt động chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc, giám sát dịch bệnh định kỳ, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Chỉ đạo Đoàn liên ngành phòng, chống dịch bệnh quận, huyện tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát trên địa bàn nhằm giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh gia cầm trên địa bàn, tập trung xử lý nghiêm các trường hợp chăn nuôi (nhất là chăn nuôi gà đá), vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.
Theo TTXVN