Trách nhiệm nâng cao chỉ số PCI

29/02/2024 - 05:44

 - Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không đơn thuần là cạnh tranh về điểm số, vị trí so các tỉnh, thành phố khác, mà còn nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trên địa bàn An Giang mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phát triển cho tỉnh. Đó là trách nhiệm chung của các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, căn cứ Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI) gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ DN trên địa bàn An Giang.

Mục đích nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp tự hoàn thiện, cải thiện rõ hơn về môi trường kinh doanh của tỉnh theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, góp phần tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, phát triển DN, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh năm 2024.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, tập trung quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; nghiên cứu thực hiện các mô hình hỗ trợ người dân, DN đi vào thực chất và hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu các ngành, các cấp triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định TTHC và hiệu quả giải quyết TTHC.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Các sở, ngành chức năng cùng với ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và các động lực tăng trưởng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ DN, nhất là đối với DN nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của DN với các nội dung tái cấu trúc DN, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, TTHC... Trong thực hiện cải cách TTHC, phải coi trọng sự hài lòng của người dân, DN là thước đo hiệu quả; tạo điều kiện để người dân, DN được tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ DN.

Các sở, ngành, địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, gồm: Mặt bằng, quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, bến cảng, khu nhà ở công nhân, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điện, nước…); nguồn lực hàng năm (từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề cao)… nhằm đáp ứng nhu cầu của DN.

Chia sẻ trách nhiệm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cải thiện từng chỉ số thành phần của chỉ số PCI cho các sở, ngành nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ DN.

Đối với chỉ số “gia nhập thị trường”, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ thủ tục, hồ sơ về đăng ký DN, cách thức, thao tác nộp hồ sơ qua mạng. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cần sửa đổi, bổ sung phải ra thông báo nêu rõ các nội dung cần sửa đổi, đồng thời liên lạc qua điện thoại, Zalo để hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn chỉnh thông tin theo yêu cầu, hạn chế tối đa việc DN phải bổ sung hồ sơ từ 2 lần trở lên.

Đối với chỉ số “tiếp cận đất đai”, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Ban Quản lý Khu kinh tế, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, đánh giá toàn bộ các TTHC còn vướng mắc, bất cập, đề xuất cắt giảm theo quy định, trong đó chú trọng rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên nguyên tắc đảm bảo các quy định của pháp luật; thực hiện các giải pháp tích cực hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, công dân khi thực hiện TTHC về đất đai.

Công khai tất cả các quy hoạch, thông tin về mặt bằng sạch để tổ chức đấu giá hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật; đăng tải kịp thời thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của cơ quan, đơn vị để các tổ chức, cá nhân và DN dễ tiếp cận. Các sở, ngành, địa phương hỗ trợ nhà đầu tư trong việc kiểm kê, cắm mốc, bồi thường giải phóng mặt bằng; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất phù hợp; hỗ trợ xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho DN; rút ngắn thời gian xác định giá đất cụ thể; chủ động rà soát quỹ đất công đang sử dụng chưa đúng mục đích hoặc chưa đạt hiệu quả cao; xây dựng phương án thu hồi và tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư...

Đối với chỉ số “tính minh bạch” do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì; chỉ số “chi phí thời gian”, “tính năng động và tiên phong của chính quyền” do Văn phòng UBND tỉnh chủ trì; chỉ số chi phí không chính thức do Thanh tra tỉnh chủ trì; chỉ số cạnh tranh bình đẳng do Văn phòng UBND tỉnh chủ trì; chỉ số chỉ số “chính sách hỗ trợ DN” do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; chỉ số “đào tạo lao động” do Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo; chỉ số “thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” do Toà án nhân dân tỉnh chủ trì.

NGÔ CHUẨN