Trải nghiệm du lịch Tân Hóa cuối mùa nước lũ

05/11/2023 - 09:36

Tháng 11 là lúc mưa, lũ trên vùng đất Quảng Bình đang trôi dần về cuối mùa. Khác với mọi năm, bây giờ "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa không còn phải đôn đáo chạy lụt mà trái lại, người dân đang biến cái bất lợi thành sinh kế vững bền trên con đường chinh phục thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, với làng quê mộc mạc, yên bình. Hãy đến Tân Hóa để trải nghiệm không khí và phong cảnh làng quê vào mùa mưa trong sự thích ứng thời tiết độc nhất chỉ có tại Quảng Bình.

Một góc làng du lịch Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Duẫn giúp chúng tôi hình dung về địa hình của xã như sau: Tân Hóa có dòng sông Nan bắt nguồn từ xã Thượng Hóa chảy dọc theo núi đá vôi từ đầu xã đến cuối xã đổ về sông Rào Nam của huyện Quảng Trạch ra cửa sông Gianh. Sự án ngữ bởi các dãy núi đá vôi nên vùng đất này mang đậm tính chất khí hậu cận nhiệt đới, quanh năm nóng ẩm, mưa nhiều và rét đậm. Cũng chính bởi được bao quanh là các dãy núi đá vôi nên Tân Hóa được xem là "thung lũng đựng nước" hay "rốn lũ" của huyện Minh Hóa. Năm nào cũng vậy, cứ mưa, lũ thì Tân Hóa là xã bị ngập đầu tiên và nước ngập lên mái nhà là chuyện bình thường. Đến mùa mưa, bà con ở xã Tân Hóa phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong chia sẻ: "Chúng tôi đã đến ngôi làng này từ 30 năm trước. Trong ký ức của mình, Tân Hóa vừa gần gũi thân thương, vừa xa xôi hẻo lánh, một thung lũng bao bọc bốn bề núi đá, những dãy giăng màn trùng điệp. Người Tân Hóa lâu nay gắn bó với thiên nhiên, sống nhờ những bãi bồi và khai thác sản vật của những cánh rừng. Mùa mưa, lũ, người dân dắt dìu nhau men theo vách núi sống qua ngày chờ lũ rút. Tình cảnh đó khiến chúng tôi không khỏi lo âu, thấp thỏm khi mùa mưa bão đến. Cũng vì vậy mà Tân Hóa trở thành địa chỉ của những tấm lòng cảm thông, chia sẻ. Chúng tôi cũng lặp lại nhiều lần câu hỏi: Làm thế nào để bà con Tân Hóa có cuộc sống tốt hơn?".

Sau trận lũ lịch sử năm 2010, người dân xã Tân Hóa có sáng kiến làm bè phao bằng cách kết các thùng phuy nhựa lại, ban đầu chỉ để đồ đạc quý lên rồi lấy bạt che mưa. Qua các mùa sau, bà con cải tiến bè lên thành nhà nổi, có mái, vách thưng che mưa và buộc dây vào bốn cọc định vị ở các góc nhà. Nước dâng thì nhà nổi lên, cả gia đình sinh hoạt trong nhà nổi khi đã có đủ lương thực, thực phẩm cùng tài sản quý và các thiết bị quan trọng khác.

Gian truân là vậy nhưng bù lại, xã nghèo này có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm, là nguồn lợi lớn về du lịch sinh thái và du lịch hang động. Cũng từng có đề xuất dùng một lượng chất nổ đủ lớn phá vỡ hang Chuột để thoát nước lũ cho làng quê này nhưng thật may các cấp lãnh đạo của tỉnh Quảng Bình lúc bấy giờ không đồng ý. Với tình yêu thiên nhiên và lòng kiên trì vô tận, đến nay, vẻ đẹp làng quê nơi "thâm sơn cùng cốc" này được giữ gìn nguyên vẹn và được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết đến, ghi nhận.

Lãnh đạo xã Tân Hóa cho biết thêm, đến nay, toàn xã có 620 ngôi nhà nổi, bảo đảm tất cả các hộ dân khu vực thấp, trũng có thể sống chung an toàn với lũ. Nhờ tích lũy được kinh nghiệm, chủ động các biện pháp ứng phó cho nên khi mùa mưa đến, cuộc sống của người dân Tân Hóa vẫn diễn ra bình thường và ngày càng cho thấy sự thích ứng linh hoạt với thời tiết.

Mọi thứ ở Tân Hóa từng bước thay đổi khi có hoạt động du lịch xuất hiện. Đó là năm 2014, tỉnh Quảng Bình cho phép Công ty du lịch Chua me đất (Oxalis) tổ chức tuyến du lịch chinh phục, khám phá hang động Tú Làn. Một số thợ rừng được tuyển dụng, huấn luyện làm nhân viên khuân vác phục vụ trong các tour du lịch Tú Làn, họ rất ngạc nhiên mỗi khi thấy khách du lịch hào hứng với những chú voọc chuyền cành trên cao hoặc quàng tay ôm, chụp ảnh làm dáng bên các cây cổ thụ trên đường đi.

Họ nhận ra rằng, nếu chung tay bảo vệ rừng thì ngày càng thu hút được khách du lịch. Từ đó, có những người trước đây là "lâm tặc" thì nay họ trở thành người bảo vệ rừng, trân trọng cánh rừng của quê hương. Họ nâng niu, bảo vệ từng lối đi trong hang, từng con cá dưới suối. Bởi vì hơn ai hết, người dân Tân Hóa hiểu rằng, chính những tài nguyên đó hấp dẫn khách du lịch từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong nói thêm: "Khi chúng tôi đến Tân Hóa thăm trường quay bộ phim "Kong: Skull Island" của Hollywood và từ đó bắt đầu thảo luận ý tưởng về một làng du lịch có nét hoang sơ, quyến rũ của thiên nhiên và một cộng đồng người dân thân thiện, mến khách".

Với mục tiêu biến "rốn lũ" Tân Hóa trở thành trung tâm du lịch ở khu vực tây bắc Quảng Bình, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Du lịch Quảng Bình cùng chính quyền địa phương và Công ty du lịch Chua me đất đã vạch ra nhiều cách làm bài bản để cụ thể hóa kế hoạch.

Các bên liên quan ở Quảng Bình đã chọn cách quảng bá điểm đến Tân Hóa thông qua các bộ phim điện ảnh bằng việc mời gọi các đoàn làm phim đến thực hiện các cảnh quay tại khu vực này. Sau bộ phim bom tấn "Kong: Skull Island", các đoàn làm phim "Người bất tử" và "Truyền thuyết về Quán Tiên" đã có những cảnh quay ấn tượng trong hang động ở Tân Hóa. Những bộ phim này sau khi công chiếu đã góp phần tạo hiệu ứng quảng bá rất lớn và giúp Tú Làn, Tân Hóa ghi tên của mình vào bản đồ du lịch thế giới.

Để đưa khách du lịch đến Tân Hóa trong mùa mưa, sau nhiều lần khảo sát, Công ty du lịch Chua me đất quyết định đầu tư Tú Làn Lodge là khu lưu trú bám vào vách núi đá vôi, độ cao chừng 15m bằng vật liệu lắp ghép để an toàn ngay cả khi nước lũ dâng cao. Từ Tú Làn Lodge, du khách có thể ngắm nhìn không gian bao la, hùng vĩ của vô số dãy núi đá vôi, có thể thu trọn tầm mắt cánh đồng xanh bất tận ở Tân Hóa.

Theo Tổng Giám đốc Công ty du lịch Chua me đất Nguyễn Châu Á, điều đặc biệt là Tú Làn Lodge không chỉ là khu lưu trú đạt tiêu chuẩn hạng sang phục vụ du khách khám phá, trải nghiệm hệ thống hang động Tú Làn và làng quê Tân Hóa mà đây còn là nơi trú chân, hỗ trợ điện, nước miễn phí cho người dân khi nước lũ lên cao.

Giữa năm 2023, Công ty du lịch Chua me đất đã hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn người dân ở Tân Hóa làm 10 homestay dựa trên những ngôi nhà nổi. Mô hình lưu trú thích ứng với thời tiết lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam này được thiết kế khép kín với không gian rộng rãi và tiện nghi, diện tích từ 25m2 đến 40m2.

Anh Trương Xuân Hùng, chủ homestay Hùng Liên ở Tân Hóa cho biết: "Tôi đang làm nhân viên khuân vác cho tour tham quan hang động Tú Làn có thu nhập ổn định, nay được hỗ trợ làm thêm dịch vụ lưu trú ngay tại nhà nữa cho nên bận rộn và có thu nhập cao hơn. Khách du lịch đến nhà ở đã giúp chúng tôi thay đổi nhận thức, nếp sống và gia đình rất vui vì có thể làm việc, phục vụ khách du lịch ngay trên quê hương mình".

Nằm trong khuôn viên nhà dân, du khách đến ở homestay này được trải nghiệm cuộc sống của người địa phương và dùng bữa cùng bà con cũng như tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp bên dòng sông Rào Nan xanh mầu ngọc bích. Còn khi có lũ, các homestay nổi lên để du khách sinh hoạt bình thường hoặc có thể di chuyển chung quanh khu vực và tận mắt thấy cảnh quan thiên nhiên khác lạ chỉ có ở những ngày lũ lụt.

Theo đại diện Công ty du lịch Chua me đất, việc áp dụng vào tour dịch vụ ăn tối tại nhà dân là để giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc sắc của địa phương tới du khách. Các gia đình tham gia cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách được Công ty du lịch Chua me đất đào tạo, hướng dẫn về quy trình chế biến thực phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và cách bài trí. Sử dụng dịch vụ ăn tối tại nhà dân không chỉ thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương mà còn là một trải nghiệm mang giá trị văn hóa, trở thành kỷ niệm khó quên trong chuyến đi của du khách.

Vừa từ Uzbekistan trở về sau khi cùng lãnh đạo xã Tân Hóa đến nhận danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023" cuối tháng 10 vừa qua của Tổ chức Du lịch thế giới, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết, sẽ từng bước xây dựng làng du lịch Tân Hóa thành mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc tạo lập các sản phẩm du lịch thích ứng với các điều kiện thời tiết thì đây cũng là mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Doanh nghiệp hỗ trợ tiếp thị, kinh doanh trong khi cộng đồng tạo thêm giá trị bền vững để cùng nhau phát triển, từng bước hoàn thiện và đa dạng hóa các dịch vụ tại Tân Hóa nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Theo HƯƠNG GIANG (Báo Nhân Dân)