Tránh xa 'bệnh văn phòng'

16/07/2023 - 08:42

Áp lực công việc, phải ngồi nhiều, ở trong phòng máy lạnh liên tục, stress, ăn uống, ngủ, nghỉ... không đều đặn làm cho nhân viên văn phòng có nhiều vấn đề sức khỏe

Theo bác sĩ Eric Balderree, Phòng khám Cơ xương khớp ACC, thời gian gần đây phòng khám tiếp nhận điều trị nhiều nhân viên văn phòng có vấn đề về xương khớp, đặc điểm chung là đau ở vùng cổ và lưng. Vì tính chất công việc phải ngồi máy tính, bàn giấy, ít vận động nên họ dễ mắc các chứng bệnh về cơ xương khớp.

Ám ảnh đau xương khớp

Bác sĩ Eric cho hay các bệnh lý mà dân văn phòng thường gặp bao gồm thái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, cong vẹo cột sống, loãng xương, hội chứng ống cổ tay. Những bệnh liên quan đến xương, khớp nếu không điều trị sớm có thể trở thành mạn tính, người bệnh phải chung sống cùng nó.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến nhất, ở đĩa đệm bị thoát vị, phần bao xơ đĩa đệm sẽ bị mòn hoặc rách khiến nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài, chèn ép rễ dây thần kinh qua các lỗ liên hợp trên đốt sống và gây ra hàng loạt cơn đau ở cổ, vai gáy và thắt lưng. Trong giai đoạn đầu, những cơn đau và tê bì chân tay do bệnh gây ra khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Càng về sau, khi bệnh đã trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng teo hoặc yếu cơ, hội chứng chùm đuôi ngựa, mất kiểm soát đại tiểu tiện, tê liệt và cả nguy cơ tàn phế.

Bác sĩ Eric Balderree, Phòng khám Cơ xương khớp ACC, đang điều trị cho một bệnh nhân là nhân viên văn phòng đau xương khớp. (Ảnh do bác sĩ cung cấp)

Khi triệu chứng khó chịu không thuyên giảm hoặc ngày càng nặng thêm nên đến gặp các thầy thuốc chuyên môn để tư vấn, khám và điều trị thích hợp” - bác sĩ Vũ khuyên.

Trong khi đó, bệnh cong vẹo cột sống, hội chứng ống cổ tay xuất hiện nhiều ở nhóm người phải thường xuyên sử dụng máy tính. Thói quen xấu như ngồi nghiêng, vẹo không đúng tư thế hoặc mang ba lô hay túi nặng một bên khiến cột sống dần nghiêng hẳn một bên. Những người hay đau cổ tay nếu không điều trị sớm thì những cơn đau nhức, tê ngứa ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út ban đầu có thể nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Từ đó, nguy cơ người bệnh bị teo cơ và giảm chức năng vận động bàn tay cũng tăng lên rất nhiều.

"Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường thì nên thăm khám sớm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Người bệnh đừng tự ý dùng thuốc. Việc lạm dụng thuốc giảm đau, kháng viêm lâu ngày sẽ gây ra các tác dụng phụ hại đến dạ dày, gan, thận..." - bác sĩ Balderree khuyên.

Hiện các phương pháp điều trị bệnh cơ xương khớp không xâm lấn (bảo tồn cấu trúc xương khớp) không dùng thuốc được nhiều chuyên gia khuyến khích áp dụng. Trong đó, việc kết hợp phương pháp trị liệu thần kinh cột sống (Chiropractic) với các bài tập bổ trợ được đánh giá mang lại hiệu quả điều trị cơn đau dứt điểm, an toàn cho sức khỏe.

Nhiều vấn đề cần chữa trị

Trong khi đó, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày - Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho rằng dân văn phòng hiện nay không những mắc những bệnh lý thông thường, họ còn có nhiều vấn đề tinh thần cần được chữa trị như stress kéo dài, mất ngủ triền miên…

Đặc điểm phải ngồi làm việc nhiều, làm việc trên máy tính ít nhất 8 giờ/ngày nên khô mắt là một trong những bệnh nhãn khoa phổ biến, gây cảm giác kích ứng như mắc dị vật trong mắt, ngứa mắt; thường xuyên thấy cộm, đỏ, cay, nóng và đôi khi đau rát mắt.

Bên cạnh đó, họ còn có thể bị thừa cân; đau khớp gối, khớp cổ chân, bàn chân do đi giày, giày cao gót; viêm mũi dị ứng; mất ngủ. Phổ biến nhất là đau vùng cổ gáy do ngồi sai tư thế, phải cúi đầu lâu để đánh máy vi tính, hoặc do mang vác nặng sai tư thế. Nếu bị nhiễm nóng lạnh đột ngột làm giảm sự cung cấp ôxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ cũng dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp bấm huyệt cho vùng cổ, vai, gáy để giảm đau.

Ngoài ra cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài; tránh căng thẳng; luyện tập các động tác vùng cổ gáy, kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Đồng thời, dân văn phòng cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong ăn uống, có thể nạp thêm một số vitamin, bổ sung B2, B3, B5, B6, choline... hoặc các khoáng chất và nguyên tố vi lượng quan trọng đối với sức khỏe của da như: iốt, selenium, sulphur, kẽm...

Theo NGUYỄN THUẬN (Báo NLĐ)