Tri ân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

10/06/2019 - 07:59

 - Trước khi kinh T5 được đổi tên thành kinh Võ Văn Kiệt, người dân vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) cũng đã quen gọi là “kinh ông Kiệt”. Ở đầu kinh T5, cặp bên UBND xã Lạc Quới (Tri Tôn), có một công viên văn hóa mang tên Võ Văn Kiệt được xây dựng rộng rãi, thoáng mát, bức tượng của cố Thủ tướng được đặt trang trọng như lời nhắc nhở thế hệ mai sau về công lao to lớn của ông…

Dấu ấn ông Sáu Dân

Tấm bia phía dưới bức tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở công viên văn hóa mang tên ông ghi rõ: “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta”.

“Nơi đây, ngày 25-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên đường khảo sát hướng thoát lũ ra biển Tây, đã lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân, trên dưới đồng lòng, hướng lớn tìm thấy. Ngay sau khi khai thông dòng kinh, nhân dân đã gọi là “kinh ông Kiệt”. Tại kỳ họp thứ 14 năm 2009, HĐND tỉnh An Giang đã chính thức đặt tên “kinh Võ Văn Kiệt”. Con kinh này là trục chính trong hệ thống các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây, hạn chế ngập lụt đầu nguồn sông Cửu Long, đưa nước ngọt phù sa tưới tiêu, rửa phèn khai mở vùng TGLX, đã đưa sản lượng lúa tăng gấp bội, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn trong vùng. Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân gọi đó là dấu ấn Võ Văn Kiệt”- bia tưởng niệm ghi.

Vùng TGLX trước đây được biết đến là “túi phèn” của ĐBSCL. Do địa hình trũng, vùng này thường bị ngập sâu vào mùa lũ nhưng lại bị khô hạn, nhiễm phèn, xâm nhập mặn vào mùa khô. Những năm 1988-1989, tỉnh An Giang và Kiên Giang đã nỗ lực đưa dân vào khai phá vùng đất hoang hóa, được mô tả là “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh”. Tuy nhiên, với diện tích tự nhiên khoảng 489.000ha nhưng năm 1990, sản lượng lúa toàn vùng chỉ đạt trên 1 triệu tấn. Sau khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kinh T5 - Tuần Thống cùng các công trình tháo chua, rửa phèn, thoát lũ ra biển Tây, vùng TGLX như thay da đổi thịt. Đến nay, năng suất lúa của vùng đạt trên 4 triệu tấn, trở thành “vựa lúa” của ĐBSCL và cả nước. “Mọi người vẫn luôn nhắc đến ông Sáu Dân với lòng biết ơn, kính trọng khi chứng kiến sự phát triển của vùng TGLX” - ông Nguyễn Lợi Đức (xã Lương An Trà, Tri Tôn), người được biết đến với biệt danh “vua lúa Sáu Đức” nhận xét. Là người gắn bó với vùng đất Tri Tôn từ thuở còn là “túi phèn”, Sáu Đức là người cảm nhận rất rõ những buồn, vui của nghề nông trước và sau khi có công trình thoát lũ ra biển Tây.

Tri ân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Tiềm năng vùng Tứ giác Long Xuyên được đánh thức

Tri ân bằng cả tấm lòng

Sau những lần trùng tu, nâng cấp, công viên văn hóa Võ Văn Kiệt giờ đây đã được mở rộng khang trang, thoáng đãng. Công viên và bức tượng cố Thủ tướng được xây dựng ngay đầu tuyến kinh Võ Văn Kiệt mà người dân quen gọi là kinh ông Kiệt. Xã Lạc Quới, nơi vinh dự được đặt công viên, là vùng đất dễ cảm nhận nhất sự thay đổi sau khi kinh ông Kiệt được khai thông. Thời điểm đào kinh (năm 1997), toàn xã Lạc Quới chỉ có hơn 1.500ha đất nông nghiệp sản xuất được, đến nay diện tích đất sản xuất đã được nâng lên 20.000ha. Những gia đình nghèo khổ thời mới đi khai hoang ở vùng đất mới giờ đây đã có cuộc sống ấm no. Thay vì lặn lội trên những con đường “nắng bụi mưa bùn” thì giờ đây, xe máy, xe ôtô có thể bon bon từ nhà ra trung tâm huyện, tỉnh.

Ngày 10-6-2019 (8-5 âm lịch), lễ giỗ lần thứ 11 của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt được trang trọng tổ chức tại công viên văn hóa Võ Văn Kiệt (xã Lạc Quới, Tri Tôn). Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm yêu cầu các khối ngành cấp huyện, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên vùng đất Tri Tôn, mỗi xã, thị trấn của huyện đều phải có 1 sản vật địa phương dâng cúng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. “Đó là cách để tưởng nhớ, thể hiện lòng thành kính tri ân của Đảng bộ và quân - dân huyện Tri Tôn đối với công lao và cống hiến to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đặc biệt là công trình T5 - Tuần Thống do cố Thủ tướng phát lệnh khởi công ngày 22-4-1997. Công trình nằm trên địa phận 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, là nơi khởi đầu công trình thoát lũ ra biển Tây, đánh thức tiềm năng TGLX nói chung và vùng đất Tri Tôn nói riêng” - ông Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Việc tổ chức lễ giỗ lần thứ 11 của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay không được quên công lao của những người đi trước, như câu nói “Uống nước nhớ nguồn là đạo lý ngàn đời của ông cha ta”.

“Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc” - lời kết trên văn bia ở công viên văn hóa Võ Văn Kiệt.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN