Tri Tôn - 45 năm vươn mình phát triển

23/08/2024 - 05:17

 - Là địa phương miền núi, biên giới, Tri Tôn (tỉnh An Giang) có vị trí chiến lược quan trọng, vùng căn cứ cách mạng kiên cường, nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn do điều kiện khách quan, hậu quả chiến tranh để lại. Trong gian khó, huyện Tri Tôn càng nỗ lực vươn lên, xứng đáng với truyền thống anh hùng, xứng đáng với lịch sử 185 năm hình thành, phát triển (1839 - 2024) và 45 năm tái lập huyện (23/8/1979 - 23/8/2024).

Vùng đất cách mạng

Dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành huyện Tri Tôn là năm 1839, vua Minh Mạng cho thành lập phủ Tịnh Biên, bao gồm huyện Hà Âm và Hà Dương, trong đó Tri Tôn thuộc huyện Hà Dương. Trước đó, năm 1757, Nguyễn Cư Trinh đã thay mặt chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp nhận đất Tầm Phong Long (bao gồm vùng đất Tri Tôn) do vua Chân Lạp dâng tặng.

Trong thời kỳ nước ta bị Pháp đô hộ, Đức Bổn sư Ngô Lợi (1831 - 1890) đã đưa đệ tử vào núi Tượng (thị trấn Ba Chúc ngày nay) để khai hoang lập làng, khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đồng thời xây dựng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1876. Có thể nói, tinh thần yêu nước đã truyền vào vùng đất Tri Tôn từ sớm.

Huyện Tri Tôn quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Trải qua thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Tri Tôn là căn cứ cách mạng kiên cường của Tỉnh ủy, với nhiều trận đánh oanh liệt đã đi vào lịch sử. Những địa danh nổi tiếng, như: Cầu sắt Vĩnh Thông, Ô Tà Sóc, đồi Tức Dụp... gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân An Giang.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, huyện Tịnh Biên và Tri Tôn hợp nhất thành huyện Bảy Núi (theo Quyết định 56/CP, ngày 11/3/1977 của Hội đồng Chính phủ). Hòa bình chưa được bao lâu, Tri Tôn lại đối mặt với chiến tranh biên giới Tây Nam.

Trước khi bị đánh đuổi về bên kia biên giới và chịu thất bại thảm hại trên đất Campuchia, bọn diệt chủng Polpot đã sát hại dã man 3.157 người dân vô tội ở Ba Chúc (từ ngày 18/4 - 30/4/1978). Nhà mồ Ba Chúc hiện đang lưu giữ 1.159 bộ hài cốt, cùng nghi thức lễ giỗ tập thể hàng năm vào ngày 16/3 (âm lịch), là chứng tích cho tội ác ấy.

Dù trải qua bao mất mát, đau thương nhưng sau chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tri Tôn luôn nỗ lực bắt tay xây dựng lại quê hương. Ngày 23/8/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 300/CP, chia huyện Bảy Núi thành huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Đây là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của vùng đất Tri Tôn.

Vượt khó vươn lên

Gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề, cơ sở vật chất thiếu thốn, hạ tầng giao thông yếu kém, Tri Tôn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian đầu mới tái lập huyện. Nhưng ý chí kiên cường, truyền thống cách mạng một lần nữa được phát huy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tri Tôn nỗ lực đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, sau 45 năm tái lập huyện, Tri Tôn không ngừng phát triển về mọi mặt. Trong đó, thế mạnh nông nghiệp được phát huy, có bước phát triển nhanh và toàn diện. Tổng diện tích sản xuất tăng lên 6,12 lần, từ 18.000ha (năm 1979) lên 110.184ha (năm 2023). Với lợi thế diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, cùng thiện chí mời gọi và nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, Tri Tôn thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, Tập đoàn THACO đầu tư trang trại chăn nuôi heo hiện đại tại xã Lương An Trà và Lương Phi; Tập đoàn Tân Long đầu tư Nhà máy gạo Hạnh Phúc với công nghệ tiên tiến hàng đầu Châu Á tại xã Lương An Trà; Tập đoàn TH khởi công nhà máy chế biến sữa với công nghệ hiện đại và quy mô lớn nhất ĐBSCL tại xã Vĩnh Gia...

Là địa phương tiếp giáp Campuchia, có khoảng 45.000 người dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer), chiếm gần 34% dân số, Tri Tôn triển khai nhiều chính sách, chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng núi, biên giới và phát huy khối đại đoàn kết tôn giáo, dân tộc. Trong đó, việc khẩn trương triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thông mới (NTM); giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi) giúp khởi sắc bộ mặt nông thôn Tri Tôn. Đến nay, toàn huyện có 6/12 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã NTM nâng cao; 3 thị trấn của huyện đang phát triển theo hướng đô thị văn minh.

 Không ngừng phát triển

Cùng với phát huy thế mạnh nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Tri Tôn cũng đang từng bước phát triển. Huyện được UBND tỉnh phê duyệt phương án 5 cụm công nghiệp trên địa bàn, với tổng diện tích hơn 180ha. Trong khi đó, lĩnh vực thương mại có bước chuyển biến mạnh, sức mua bán trên thị trường tăng đều.

Đối với hoạt động du lịch, ngày càng khởi sắc. Bên cạnh khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, những hồ nước tự nhiên giữa đồi núi trập trùng, hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa, đình, chùa với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, Tri Tôn còn phát triển các loại hình văn hóa, thể thao đặc trưng vùng Bảy Núi, như: Lễ hội đua bò Bảy Núi, biểu diễn dù lượn, diều lượn, lễ hội khinh khí cầu, biểu diễn môtô địa hình, thả diều nghệ thuật...

Huyện phối hợp tổ chức các đoàn Caravan đến khám phá, tìm hiểu nét văn hóa, ẩm thực, cảnh đẹp của Tri Tôn, đặc biệt là chiêm ngưỡng cung đường cánh đồng trâm, được mệnh danh là “con đường tơ lụa” của miền Tây. Tri Tôn tăng cường đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Sau 45 năm tái lập, Tri Tôn đã có bước phát triển khá vững chắc, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Mặc dù còn những thách thức phía trước, nhưng với quyết tâm trỗi dậy, vươn lên mạnh mẽ, sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, cùng những chính sách, giải pháp phù hợp, huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong thời gian tới, hướng đến là một thị xã ven biên trong tương lai không xa, trước mắt là phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2030.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, huyện Tri Tôn cùng 5 xã, thị trấn được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (Ba Chúc, Lương Phi, Ô Lâm, An Tức và Cô Tô). Đến nay, Tri Tôn có 10 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 81 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 849 liệt sĩ, 343 thương binh, 239 gia đình có công với cách mạng.

NGÔ CHUẨN