Tri Tôn hướng đến giảm nghèo bền vững

24/04/2024 - 06:14

 - Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đã mang lại kết quả khả quan. Chương trình góp phần tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.

Nhiều mô hình giảm nghèo được huyện Tri Tôn triển khai hiệu quả

Tri Tôn là huyện miền núi, biên giới, dân tộc, nhiều tôn giáo của tỉnh. Dân số toàn huyện 117.712 người, 33.544 hộ, trong đó 11.166 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Năm 2022, huyện Tri Tôn có 2.900 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 8,6%) và 3.780 hộ cận nghèo (chiếm 11,3%). Địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, đối với nguồn vốn thực hiện chương trình từ năm 2022 đến nay, huyện được phân bổ gần 369 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư và phát triển gần 230 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 100 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, UBND huyện thực hiện hiệu quả nhiều dự án, tiểu dự án. Điển hình như, dự án 1 (hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo), huyện Tri Tôn phân bổ thực hiện 67 công trình, giải ngân 163,9 tỷ đồng.

Đối với dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), huyện phân bổ vốn thực hiện 14 mô hình giảm nghèo với 277 hộ dân tham gia, giải ngân gần 7 tỷ đồng. Thực hiện dự án 3 - tiểu dự án 1 (hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp), địa phương thực hiện 7 dự án, giải ngân trên 2,8 tỷ đồng. Đối với dự án 4 - tiểu dự án 1 (phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, huyện Tri Tôn tổ chức các hoạt động: Tư vấn việc làm, đào tạo nghề phi nông nghiệp; tập huấn về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho cán bộ xã, thị trấn… tổng vốn giải ngân trên 2,1 tỷ đồng.

Với dự án 5 (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo), trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện hỗ trợ cất mới, sửa chữa nhà cho 1.958 hộ. Tính riêng trong năm 2023, huyện phân bổ xây dựng mới 474 căn, sửa chữa 19 căn, kinh phí khoảng 21,2 tỷ đồng. Đối với dự án 6 (truyền thông và giảm nghèo về thông tin), tiểu dự án 2 (truyền thông về giảm nghèo đa chiều), huyện Tri Tôn tổ chức truyền thông tại 15 xã, thị trấn, thu hút khoảng 1.650 lượt người tham gia. Đối với dự án 7 - tiểu dự án 1 (nâng cao năng lực thực hiện chương trình) và tiểu dự án 2 (giám sát, đánh giá), huyện Tri Tôn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo, học tập kinh nghiệm... Đồng thời, tổ chức các đoàn giám sát dự án 1, dự án 2, dự án 5; giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng liên kết vùng, cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện phục vụ trực tiếp cho sản xuất và dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đầu giai đoạn 2021 - 2025, huyện có 3.586 hộ nghèo (tỷ lệ 10,7%); 3.411 hộ cận nghèo (tỷ lệ 10,2%). Qua thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2023, tổng số hộ nghèo của huyện còn 2.164 hộ (tỷ lệ 6,5%), giảm 4,3% so với đầu giai đoạn; số hộ cận nghèo còn 2.809 hộ (tỷ lệ 8,4%)... Bên cạnh đó, huyện thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của cả hệ thống quốc dân đạt tỷ lệ 46,3%.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, huyện còn gặp khó khăn khi kết quả thực hiện và giải ngân vốn sự nghiệp của một số tiểu dự án, dự án còn chậm, thấp. Công tác đào tạo nghề cho lao động thuộc tiểu dự án 1 - dự án 4 gặp vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng lao động có thu nhập thấp, làm chậm tiến độ mở lớp đào tạo nghề… Mặt khác, công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo trong quá trình thực hiện dự án 5 gặp nhiều khó khăn.

Huyện Tri Tôn phấn đấu giảm 2% hộ nghèo mỗi năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm; 1,5% hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện dự kiến còn 2,7%. Để thực hiện nhiệm vụ trên, thời gian tới, UBND huyện Tri Tôn đẩy mạnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững. Từ đó, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình; có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn biểu hiện tiêu cực; xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo…

ĐỨC TOÀN