Tri Tôn tập trung khai thác thế mạnh nông nghiệp

01/04/2022 - 06:48

 - Trong khi nhiều địa phương gần như đã “bão hòa” về diện tích sản xuất thì huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác. Sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn, hạ tầng giao thông được đầu tư là những điều kiện giúp huyện Tri Tôn bứt phá đi lên trên nền tảng nông nghiệp.

Mở rộng sản xuất

Trước diễn biến giá lúa gạo giữ ở mức cao, các DN đẩy mạnh thu mua nên vụ thu đông 2021, nông dân huyện Tri Tôn xuống giống 33.332ha lúa, vượt xa so kế hoạch (22.020ha), trong đó, diện tích xuống giống trong đê là 17.578ha, ngoài đê 12.950ha, xuống giống lúa khu ruộng trên 2.804ha; riêng xuống giống lúa mùa 2021 đạt hơn 136ha (lúa mùa nổi tại Vĩnh Phước 71ha; lúa mùa trên 65ha).

Năm 2021, nhờ lũ nhỏ, nông dân xuống giống ngoài đê vẫn thu hoạch ăn trọn vụ thu đông. Tuy nhiên, việc xuống giống ngoài đê tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lũ về sớm, đòi hỏi các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân hạn chế xuống giống ngoài đê, chỉ xuống giống ở các tiểu vùng đê bao an toàn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, nối tiếp thắng lợi vụ thu đông 2021, vụ đông xuân 2021-2022, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống 42.623ha, đạt 100,58% so kế hoạch xuống giống 42.377ha. Trong đó, xuống giống lúa được 41.732/41.178ha; xuống giống màu được 891/1.199ha. Đối với vụ hè thu 2022, tổng diện tích xuống giống đến nay được 12.672/44.392ha, đạt 28,54% so với kế hoạch. Trong đó, xuống giống lúa được 12.586/42.625ha, đạt 29,52% kế hoạch; xuống giống màu được 86/1.767ha, đạt 4,86%.

Về thu hoạch, đối với vụ lúa thu đông 2021, toàn bộ diện tích 33.332ha đều được thu hoạch hết, năng suất 5,31 tấn/ha, sản lượng 177.130 tấn. Toàn bộ 540ha màu vụ thu đông 2021 cũng được thu hoạch trọn vẹn, sản lượng 10.361 tấn. Đối với vụ lúa đông xuân 2021-2022, tiến độ thu hoạch đến nay đạt 20.260/41.732ha (48,54%), năng suất hơn 7 tấn/ha, sản lượng 142.917 tấn; màu thu hoạch 122,2/891ha (13,7%), sản lượng 2.342 tấn.

Ông Văn cho biết, nhằm bảo vệ tốt sản xuất, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tri Tôn kết hợp với kỹ thuật viên các xã, thị trấn thăm đồng, theo dõi tình hình thu hoạch vụ đông xuân 2021-2022; tình hình xuống giống và dịch hại vụ hè thu 2022. Đối với vụ đông xuân, sinh vật gây hại trên diện tích 6.700ha (mức độ gây hại nhẹ 6.470ha, trung bình 150ha, nặng 80ha), cụ thể: Ốc bươu vàng 55ha, chuột 1.240ha, rầy phấn trắng 80ha, bù lạch 230ha, rầy nâu 1.040ha, sâu đục thân 20ha, sâu cuốn lá 210ha, đạo ôn lá 1.750ha, đạo ôn cổ bông 225ha, vàng lá chín sớm 75ha, lem lép hạt 280ha, riêng muỗi hành gây hại 1.495ha (nhiễm nhẹ 1.265ha, trung bình 150ha, nặng 80ha). Đối với vụ hè thu 2022, sinh vật gây hại diện tích 210ha (mức độ gây hại nhẹ), gồm: Bù lạch 100ha, muỗi hành 10ha, rầy nâu 100ha.

Phát triển chăn nuôi

Theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tri Tôn, đến ngày 10/3/2022, tổng đàn gia súc của huyện là 27.841 con, gồm: Đàn heo 17.864 con (trang trại 13.308 con; hộ chăn nuôi 4.556 con); đàn trâu 253 con; đàn bò 8.604 con; đàn dê 1.120 con. Tổng đàn gia cầm 533.313 con (gà 152.980 con; vịt chạy đồng 377.100 con; ngỗng 3.233 con). Ngoài ra, còn có 74 hộ đang nuôi chim yến. Ngành chăn nuôi và thú y huyện đã chủ động tiêm phòng tụ huyết trùng cho 600 con heo, 95 con trâu, bò; tiêm phòng lở mồm long móng, tai xanh cho 600 con heo; tiêm phòng dại cho 370 con chó; tiêm phòng cho 45.000 con vịt, 2.000 con gà. Ngoài ra, đã điều trị khỏi bệnh cho 119 con heo, 146 con bò, 49 con chó; thực hiện vệ sinh tiêu độc xe vận chuyển, quầy, kệ bán thịt gia súc, gia cầm, nơi chăn nuôi 71.555m2; kiểm soát giết mổ 1.060 con heo, 247 con bò.

Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn thường xuyên theo dõi tình hình hạn, mặn trên địa bàn huyện, chuyển thông tin các bản tin cảnh báo nắng nóng, dự báo độ mặn, bản tin dự báo thủy văn của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang đến UBND các xã, thị trấn, các kỹ thuật viên, khuyến nông viên ngành nông nghiệp để có các phương án ứng phó với tình hình nắng nóng và khô hạn tại địa phương.

Năm 2022, huyện Tri Tôn phấn đấu tổ chức đánh giá, phân hạng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho 15 sản phẩm tiềm năng. Phòng NN&PTNT huyện còn phối hợp với Viettel An Giang, Viettel Tri Tôn tổ chức buổi làm việc giới thiệu trang voso.vn, nhằm đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng của huyện lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản của huyện.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, cùng với hỗ trợ triển khai dự án bò sữa và nhà máy chế biến sữa lớn nhất ĐBSCL của Tập đoàn TH tại xã Vĩnh Gia, đưa vào vận hành hệ thống silo của nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long (nhà máy gạo lớn nhất Châu Á), Tập đoàn THACO dự kiến đầu tư thêm 800 tỷ đồng vào 8 trại heo giống, mở rộng đầu tư trại heo thịt trên địa bàn huyện Tri Tôn. Huyện đang tập trung đầu tư hệ thống cầu, đường giao thông đồng bộ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong vận chuyển hàng hóa, qua đó thu hút thêm nhiều DN đến với huyện Tri Tôn.

NGÔ CHUẨN