Bệnh TCM trẻ em có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Bệnh có thể xảy ra mọi độ tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi; ở mọi thời điểm trong năm, có thể tăng cao vào các tháng 3-5 và tháng 9-12.
Trẻ mắc TCM ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn... Tuy nhiên, các triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay bệnh thủy đậu.
Trong 1-2 ngày đầu nhiễm bệnh TCM trẻ em sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, các nốt ban này sẽ trở thành bóng nước.
Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc cơ quan sinh dục ở trẻ.
Bệnh TCM trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Khi thấy trẻ bị TCM cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt, nhất là khi có các dấu hiệu nặng như:
Quấy khóc liên tục kéo dài: trẻ có thể quấy khóc cả đêm hoặc ngủ từ 15-20 phút lại dậy và quấy khóc liên tục. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.
Sốt cao liên tục không hạ: trẻ sốt trên 38,5oC liên tục hơn 48 giờ và không tác dụng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Điều này cảnh báo mức độ viêm rất mạnh trong cơ thể trẻ dẫn đến nhiễm độc thần kinh.
Hay giật mình: đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh.
Nếu thấy trẻ xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh, cần làm
Vệ sinh tay chân, ăn uống hợp vệ sinh; thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy, nhất là trước khi cho ăn uống, cho trẻ ăn, chế biến thức ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh và thay tã cho trẻ. Ăn chín, uống sôi; các vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ; đảm bảo nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi và thường xuyên vệ sinh bề mặt các vật dụng tiếp xúc hàng ngày như: dụng cụ học tập, đồ chơi, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, sàn nhà, mặt bàn, ghế... bằng các chất tẩy rửa thông thường. Cách ly trẻ với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị TCM.
10-14 ngày đầu khi nhiễm bệnh TCM, cha mẹ cần cách ly trẻ tại nhà, không để trẻ đến trường học hay những nơi đông người.
Bệnh TCM ở trẻ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng.
Xác định được tầm quan trọng đó, ngay đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn xây dựng và triển khai Kế hoạch số 08/ KH-GDSK ngày 08-01-2020 về truyền thông phòng, chống dịch tại cộng đồng và Kế hoạch số 16/KHLN-TTYT-PGD&ĐT ngày 13-01-2020 truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại trường học. Nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa y tế, nhà trường, gia đình trong việc giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, các hành vi tự chăm sóc khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn (An Giang) thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh... cung cấp nhiều tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, áp-phích, băng-rôn, thông điệp…); tập huấn phòng, chống bệnh TCM cho lực lượng y tế học đường; thực hiện giám sát các hoạt động y tế học đường ít nhất 1 tháng/lần. Đặc biệt, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, xã biên giới trung tâm còn chủ động phối hợp nhà trường, ban, ngành, đoàn thể triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… Từ đó, bệnh TCM được kiểm soát không bùng phát thành dịch.
Về lâu dài, Trung tâm Y tế huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe ăn uống hợp vệ sinh, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, cải thiện vệ sinh môi trường tại nhà và xung quanh nhằm nâng cao sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh thường gặp trên địa bàn.
DS Nguyễn Chí Hải
(Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn)