Hành trình gian nan
Sau nhiều năm “vật lộn” với cây lúa và chăn nuôi bò nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2015, anh Huỳnh Công Chánh mạnh dạn cải tạo toàn bộ phần đất ruộng của gia đình phát triển mô hình trồng cam sành và cũng từ đây gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn. Anh Chánh cho biết: “Phần diện tích đất ruộng này vốn thuộc vùng đất trũng, bị phèn nặng, trước đây chỉ trồng lúa nhưng năng suất không cao. Một năm chỉ có thể canh tác được 2 vụ lúa, lợi nhuận thu được khoảng 40 triệu đồng/ha/năm. Những năm thời tiết thất thường coi như huề vốn. Thấy việc sản xuất bấp bênh, tôi quyết định chuyển sang chăn nuôi bò. Được 2 năm, thấy thu nhập không cao nên tôi chuyển đất ruộng sang trồng cam sành. Đây là loại cây trồng nổi tiếng ở Lai Vung (Đồng Tháp)” - anh Chánh chia sẻ.
Anh Chánh là nông dân đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Tà Đảnh
Nhìn vườn cây cam sành đang trĩu quả mới thấy được công sức và tiền bạc mà anh Chánh đã đầu tư vào khu vườn của mình. Để có được khu vườn xanh tốt như thế này, anh đã đầu tư khoảng 40 triệu đồng/công cho việc lên liếp, rửa phèn, xử lý phèn trong đất, san lắp bờ bao, trang bị hệ thống bơm tưới và cây giống. “Vùng đất này bị nhiễm phèn rất nặng, nếu không xử lý hiệu quả thì cây cam sành không thể phát triển được. Khi đã xử lý được, cây lại sinh trưởng và phát triển tốt hơn ở khu vực Đồng Tháp” - anh Chánh nói. Để xử lý phèn, sau khi lên liếp, anh sử dụng các loại phân bón chuyên dụng kết hợp rải thêm vôi bột vào đất, rồi mới xuống giống. Sau khi xuống giống, sử dụng thuốc tạo rễ, thuốc hạ phèn để bón thêm. Khi đã giải quyết xong việc rửa phèn, anh Chánh bắt đầu với bài toán đê bao, do vùng đất canh tác là vùng đất trũng, mỗi năm đều bị nước lũ tràn vào nên phải lo chống ngập cho vườn cam. Vì vậy, ngay từ đầu mùa lũ gia đình anh đã tăng cường gia cố đê bao, sử dụng bao đất để ngăn nước tràn vào vườn. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các máy bơm nước để phòng khi mực nước lên cao. Nhờ chủ động nên tính đến thời điểm này, vườn cam của gia đình anh chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Đất phèn cho quả ngọt
Cũng nhờ chăm sóc kỹ, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên vườn cam sành của gia đình anh Nguyễn Công Chánh phát triển xanh tốt. Theo quan sát, vườn cam được thiết kế rất khoa học, hệ thống tưới tiêu và xịt thuốc đều bằng máy, do vậy giảm rất nhiều chi phí và sức lao động. Hiện nay, vườn cam của anh Chánh đã được 3 năm tuổi và đang cho trái. “Cam sành từ lúc trồng đến thu hoạch mất từ 2 - 2,5 năm. Chi phí đầu tư mỗi năm từ 25 - 30 triệu đồng/công. Năng suất bình quân mỗi năm đạt từ 6 tấn trái. Ước tính mỗi năm, 1 công thu lãi trên dưới 30 triệu đồng” - anh Chánh thông tin. Ngoài ra, anh Chánh còn kết hợp thả các loại cá như: cá hô, mè vinh, cá rô đồng... với diện tích trên 3ha, chi phí đầu tư trên dưới 200 triệu đồng.
Ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Chánh còn tạo việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đánh giá về mô hình của anh Chánh, Chủ tịch UBND xã Tà Đảnh Nguyễn Thành Kim cho biết: “Anh Nguyễn Công Chánh là một trong những nông dân (ND) đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Hiện, địa phương đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, để chuyển đổi theo mô mình của anh Chánh là rất khó, đòi hỏi chi phí rất cao nên nhiều ND còn ngán ngại. Trong thời gian tới, rất mong các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho ND tiếp cận với các nguồn vốn để bà con đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho ND”.
Mô hình trồng cam sành của anh Nguyễn Công Chánh mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Mô hình cần được nghiên cứu, nhân rộng để giúp cho ND định hướng phát triển kinh tế một cách hiệu quả và bền vững, nhất là những bà con sống ở vùng đất không mấy thuận lợi, quanh năm chịu ảnh hưởng phèn, lũ lụt.
Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN