Canh tác kỹ thuật cao
Mô hình trồng nấm rơm trong nhà được anh Trần Văn Liêm triển khai từ đầu năm 2020 với quy mô 2 nhà, diện tích 90m2. Nhà được thiết kế có cửa sổ thoát khí ở phía trước; vách và trần nhà được ốp tấm xốp để quản lý nhiệt độ môi trường. Nấm rơm được trồng trên những chiếc kệ có chiều dài trên 5m, rộng 0,7m, cao 2m và được chia thành 4 tầng. Tổng kinh phí xây dựng 2 căn nhà trị giá 60 triệu đồng.
Về phương pháp trồng, anh Liêm cho biết, rơm sau khi đem về được ủ từ 10-12 ngày, sau đó tiến hành cấy meo. Sau thời gian chăm sóc từ 10-12 ngày bắt đầu thu hoạch nấm. “Mỗi nhà cần sử dụng 50 cuộn rơm. Năng suất khoảng 150kg nấm/nhà. Mỗi vụ có thể thu hoạch 2 đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tuần” - anh Liêm thông tin.
Một trong những ưu điểm nổi bật của mô hình trồng nấm rơm trong nhà mà anh Liêm đang áp dụng là có thể quản lý được nhiệt độ phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây nấm. Anh Liêm nhận định: “Ở các giai đoạn như: ủ tơ, kết phôi, ra quả thể đều có nhu cầu về nhiệt độ khác nhau. Do đó, việc điều chỉnh nhiệt độ phù hợp từng giai đoạn giúp nấm sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Ngoài ra, thông qua điều chỉnh nhiệt độ có thể điều chỉnh màu sắc của nấm, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng”.
Đặc biệt, trong quá trình canh tác anh Liêm còn sử dụng phương pháp xử lý thanh trùng bằng nhiệt cho nhà trồng nấm. Đây là phương pháp đơn giản nhưng lại hữu hiệu nhằm phòng ngừa hiệu quả các loại vi khuẩn, nấm mốc… phổ biến trên giá thể. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đun sôi nước, sau đó dẫn hơi nước vào nhà sao cho nhiệt độ môi trường khoảng 80o, duy trì trong 4-5 tiếng. Ngoài ra, sau mỗi vụ thu hoạch, anh Liêm còn vệ sinh, khử trùng nhà trồng nấm cẩn thận, sau 7 ngày có thể tiếp tục canh tác vụ tiếp theo.
Trồng nấm rơm trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác truyền thống
Nhân rộng mô hình
Với cách làm khoa học đã giúp anh Liêm có thể canh tác liên tục mà không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây nấm. Cũng nhờ cách làm này, anh có thể thử nghiệm nhiều phương pháp trồng khác nhau để rút ra những cách làm tốt nhất, canh tác hiệu quả nhất và mang lại nguồn thu cao nhất.
Vụ đầu tiên, anh Liêm trồng nấm theo phương pháp trải thảm. Phương pháp này cho năng suất 1,2-1,3kg/cuộn rơm (1 cuộn rơm 20kg, giá 20.000 đồng/cuộn). Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế là không thể thu hoạch ở mặt phía dưới, khó xử lý khi bị nhiễm bệnh. Đến vụ thứ 2, anh Liêm thí điểm phương pháp bó rơm thành từng cục. Cách làm này cho năng suất cao hơn, khoảng 1,5kg/cuộn rơm. Ngoài ra, còn thuận tiện trong việc chăm sóc, thu hoạch và dễ quản lý dịch bệnh hơn.
Với 2 nhà trồng nấm, bình quân mỗi vụ, gia đình anh Liêm thu nhập khoảng 6 triệu đồng. “Nấm hiện nay đang có thị trường tiêu thụ ổn định, thương lái đến tận nhà mua nên không phải lo “đầu ra”, cũng như bị “ép giá”. Thời gian tới, nếu có điều kiện, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, diện tích canh tác. Đồng thời, tranh thủ thời gian rảnh tìm hiểu thêm thông tin, nghiên cứu các phương pháp canh tác mới để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm” - anh Liêm chia sẻ.
Mô hình trồng nấm rơm được nông dân xã Lê Trì phát triển từ nhiều năm nay và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều nông hộ. Để giúp nông dân tiếp cận với phương pháp canh tác mới theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chính quyền địa phương đã đề xuất hỗ trợ xây dựng 2 mô hình trồng nấm trong nhà, mỗi mô hình được hỗ trợ 50 triệu đồng. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Trì Nguyễn Văn Hữu Phước cho biết, ngoài hỗ trợ xây dựng nhà trồng nấm, các hộ còn được chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đến nay, hầu hết các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Hiện nay, Hội Nông dân xã Lê Trì đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình, đồng thời phối hợp ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật canh tác nấm. Hướng tới, nếu số hộ tham gia đủ lớn, địa phương sẽ tiến tới thành lập tổ hợp tác để giúp nông dân thuận tiện trong việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất với nhau. Đồng thời, trên cơ sở tham gia vào các tổ hợp tác, Hội Nông dân sẽ tìm kiếm những chính sách hỗ trợ về vốn cũng như “đầu ra” của sản phẩm để bà con an tâm phát triển mô hình.
ĐỨC TOÀN