Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang: Đánh giá năng suất lúa khi giảm lượng phân bón so với canh tác truyền thống

11/08/2022 - 09:52

Để giảm chi phí sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, hạn chế phụ thuộc vào phân bón vô cơ, thuốc hóa học trước bối cảnh giá phân bón tăng, Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang đã thực hiện mô hình “Đánh giá năng suất lúa khi giảm lượng phân lần lượt 15%, 30% so với canh tác truyền thống của nông hộ”, làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo để tăng hiệu quả kinh tế và chất lượng lúa giống của địa phương.

Đại biểu tham quan mô hình

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tầng Phú An chia sẻ, theo số liệu thống kê, An Giang là tỉnh có giá thành sản xuất 1kg lúa đứng hàng thứ 3 ở ĐBSCL (4.364 đồng), ghi nhận giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm 2022 bình quân cả vùng ĐBSCL. Như vậy, giá thành của sản xuất 1kg lúa ở An Giang cao hơn so với trung bình của vùng, phần lớn do giá phân bón tăng, chuỗi cung ứng xăng dầu biến động, bị ảnh hưởng dịch COVID-19… đã tác động đến giá thành và chi phí sản xuất. Nhằm giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân trong bối cảnh giá phân bón ngày càng tăng, việc thực hiện giảm lượng phân bón là rất cấp bách.

Mô hình “Đánh giá năng suất lúa khi giảm lượng phân lần lượt 15%, 30% so với canh tác truyền thống của nông hộ” được triển khai nhằm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân triển khai các mô hình canh tác thông minh, kỹ thuật canh tác giảm phân, thuốc, đáp ứng truy xuất nguồn gốc và chất lượng nông sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nông dân cùng hành động phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang Lê Thái Định cho biết, trung tâm đã thực hiện mô hình trồng lúa với lượng phân bón giảm 15% và 30% so với vùng sản xuất truyền thống làm đối chứng theo công thức phân 100N-60P2O5-60K2O. Kết quả năng suất vụ 1 (thu đông năm 2021) cho thấy, năng suất ở ô đối chứng (4,04 tấn/ha) thấp hơn so với các ô được bố trí giảm 15% công thức phân (4,59 tấn/ha) và 30% công thức phân (4,94 tấn/ha). Nguyên nhân do ruộng thí nghiệm bị chuột cắn phá gần 25% diện tích lúa và cây lúa bị đổ ngã khá nhiều, nên ảnh hưởng đến năng suất thực tế. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện còn ghi nhận tỷ lệ bệnh hại phổ biến (đạo ôn, bạch lá…) ghi nhận cấp 2 (nhiễm nhẹ - thang điểm IRRI) trên cả 3 nghiệm thức. Từ các số liệu ghi nhận trên thì năng suất lúa thực tế thu được trên các nghiệm thức thí nghiệm chưa có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê. Tuy nhiên, khi giảm lượng phân bón đồng nghĩa với việc giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

Kết quả về số liệu năng suất vụ 2 (đông xuân 2021-2022) ghi nhận,vào giai đoạn lúa trổ bông có xuất hiện những cơn mưa trái mùa, gây gia tăng tỷ lệ lép (trung bình từ 11-14%) trong cả ô ruộng thí nghiệm, đây là yếu tố làm giảm năng suất lúa thực tế. Tỷ lệ bệnh hại phổ biến (đạo ôn, bạch lá…) ghi nhận cấp 1 (không nhiễm - thang điểm IRRI) trên cả 3 nghiệm thức. Năng suất thực tế thu được quy về ẩm độ chuẩn ở nghiệm thức đối chứng là 7,78 tấn/ha; nghiệm thức giảm 15% công thức phân được 7,71 tấn/ha và nghiệm thức giảm 30% công thức phân được 8,24 tấn/ha. Cho thấy, năng suất lúa thực tế vẫn không chênh lệch nhiều giữa các nghiệm thức thí nghiệm so với đối chứng. Nhưng nhìn chung, khi giảm phân bón sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Kết quả vụ thứ 3 (vụ hè thu 2022) ghi nhận, năng suất lý thuyết giữa 3 ô thí nghiệm không khác biệt về ý nghĩa thống kê. Trong quá trình sinh trưởng, các ô cho thấy không có sự khác biệt qua các giai đoạn phát triển của cây lúa. Riêng đến giai đoạn chín sáp gần chuyển qua giai đoạn chín vàng thì bị ảnh hưởng bởi bão số 1 và áp thấp nhiệt đới nên cả 3 ô đều bị đổ ngã, mức độ đổ ngã gần 35% cho ô giảm 15% và 50% cho ô giảm 30%; còn ô đối chứng là 15% đổ ngã. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh hại phổ biến (đạo ôn, bạch lá…) ghi nhận cấp 1 (không nhiễm- thang điểm IRRI) trên cả 3 nghiệm thức. Năng suất thực tế ghi nhận sau khi quy đổi về ẩm độ chuẩn lần lượt là 6,07 tấn/ha cho ô đối chứng; 5,91 tấn/ha cho ô giảm 15%; và 5,96 tấn/ha cho ô giảm 30%. Năng suất không có sự khác biệt về ý nghĩa thống kê ở 3 ô thí nghiệm, nhưng yếu tố thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến sự vào hạt, làm cho cây lúa bị đổ ngã nhiều.

Theo báo cáo sơ kết vụ hè thu năm 2022 tại An Giang của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, giá sản xuất lúa vụ hè thu các năm 2019, 2020, 2021, 2022 ngày càng tăng cao ở An Giang và các tỉnh ĐBSCL. Một trong những nguyên nhân là do giá vật tư nông nghiệp và phân bón tăng cao trong những năm qua. Do đó, từ bước khảo nghiệm thực tế, việc canh tác lúa giảm phân bón nhưng năng suất không có sự khác biệt; nông dân có thể áp dụng trong tình trạng giá phân bón tăng đột biến, nhằm đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.

HẠNH CHÂU