Ấn tượng của Vọng Thê hôm nay không chỉ là những cánh đồng say lúa mùa gặt, vườn cây trĩu quả với những con đường thẳng tắp dẫn ra nội đồng hay trường học khang trang, mà còn là nụ cười no ấm, hạnh phúc trên gương mặt những con người chất phác, hồn hậu. Trong niềm vui của xã đạt chuẩn nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Vọng Thê Lê Quốc Thắng chia sẻ: “Những ngày đầu khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của xã rất thấp. Là một trong những xã thuần nông nằm trong vùng trũng khu vực Tứ giác Long Xuyên, sản xuất nông nghiệp là chính. Cùng với đó, địa hình nhiều kênh mương chằng chịt, nhiều cầu tạm bợ, nhất là mùa mưa lũ, việc đi lại của bà con nhân dân rất khó khăn… Từ thực tế đó, chúng tôi không ngừng quán triệt nội dung bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho toàn thể cán bộ, viên chức và người dân được rõ, để “dân biết, dân bàn, dân hiểu, dân tin”. Vì nông thôn mới có thành công hay không, phần lớn nhờ sự đồng lòng, ủng hộ, chung sức của nhân dân”.
Niềm vui nông thôn mới
Nhờ những định hướng, chỉ đạo đúng đắn cùng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Vọng Thê đã về đích nông thôn mới sớm hơn lộ trình 1 năm, với 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu. Hiện, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, diện tích nhân giống lúa chất lượng cao hàng vụ từ 120 - 160ha, đảm bảo nhu cầu giống sản xuất trong xã và khu vực lân cận. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 108,7 triệu đồng/năm. Hiện nay, xã đang tập trung xây dựng “Cánh đồng lớn”, ứng dụng công nghệ cao gắn với mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ lúa bền vững và thực hiện Dự án VnSAT tại tiểu vùng TVo và THi. Toàn xã có 26,3ha trồng rau màu từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả (3ha điên điển, đậu bắp, các loại rau; 26ha bưởi da xanh, xoài 3 màu, thanh long ruột đỏ…). Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: đường giao thông, kênh mương nội đồng, đê bao… được đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp.
Xác định thế mạnh là sản xuất nông nghiệp nên thời gian qua, dưới sự định hướng của chính quyền địa phương, người dân chú trọng phát triển sản xuất theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được áp dụng trên tất cả diện tích gieo trồng, nhất là sản xuất theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Từ năm 2011 đến nay, địa phương đã mở 14 lớp dạy nghề cho 364 lao động nông thôn. Hàng năm, giới thiệu và giải quyết việc làm ổn định từ 100 - 150 lao động. Đến nay, xã đã cất mới 96 căn nhà Đại đoàn kết; cất mới 15 căn và sửa chữa 10 căn nhà Tình nghĩa. Từ việc thực hiện tốt những chính sách an sinh xã hội và phát triển các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, góp phần làm cho công tác giảm nghèo thêm bền vững. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,16% (giảm 4,23% so với năm 2010); nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 41 triệu đồng/người/năm (tăng 20 triệu đồng so với năm 2010).
Trên địa bàn xã đã và đang xuất hiện nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi. Điển hình là hộ ông Phạm Thành Tuấn (ấp Tân Hiệp) với 1,2ha thanh long ruột đỏ, mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học của ông Trần Duy An (ấp Tân Thành) với diện tích 200m2, thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng. “Gia đình tôi là hộ tiên phong chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, với diện tích 5,3ha. Hiện, vườn bưởi đang bước vào giai đoạn cho trái, dự kiến lứa đầu tiên sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán 2019. Giá bưởi đang dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, hứa hẹn mang lại thu nhập khá cho gia đình” - bà Lê Thị Hạnh (sinh năm 1955, ngụ ấp Tân Vọng) cho biết.
Cùng với đó, hệ thống điện, nước, đường, trường, trạm… được đầu tư, nâng cấp. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới của xã gần 155 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp trên 40 tỷ đồng. Đó là “trái ngọt” cho chặng đường dài phấn đấu, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân Vọng Thê. Tuy nhiên, để duy trì và nâng chất nông thôn mới, địa phương còn cả hành trình, thách thức phía trước. “Tiêu chí về môi trường và chỉ tiêu bảo hiểm y tế tuy không cần vốn nhưng khó giữ vững nhất. Vì thế, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp từ đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên phát quang bụi rậm, hình thành tuyến đường nở hoa sạch - đẹp (từ ranh Vọng Thê - Óc Eo đến cầu Mướp Văn) nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân. Về bảo hiểm y tế, địa phương có 1 ấp đạt 100% tỷ lệ hộ dân tham gia (ấp Tân Huệ). Để các ấp còn lại đạt tỷ lệ trên, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cho mượn vốn… phấn đấu không để bị tụt với bất cứ lý do gì” - Chủ tịch UBND xã Vọng Thê Lê Quốc Thắng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN