Từ trong tủi nhục, rũ bùn đứng dậy sáng lòa!

25/08/2023 - 06:57

 - Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Lịch sử dân tộc ta có nhiều thời kỳ rất vẻ vang. Nhưng trước ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, dân tộc ta phải trải qua gần 1 thế kỷ vô cùng tủi nhục”. Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa vô cùng to lớn: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng, lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Nhưng rất tiếc, một số người khi bàn về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa ra cái gọi là “khoảng trống quyền lực” hay “khoảng chân không chính trị”. Vì sao lại có nhận định sai lệch như vậy? Trước nhất là do lập trường, quan điểm. Họ không thể chấp nhận thất bại quá cay đắng! Càng không thể chấp nhận, khi đối phương là những người cộng sản… Thậm chí có người còn xuyên tạc: “Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là sự ăn may của cộng sản Việt Minh”. “Việt Minh đã nhanh tay cướp lấy thành quả của đồng minh chống phát xít, khi quân đồng minh chưa kịp vào Đông Dương”… Với lập trường như vậy, sự thật rất khó được chấp nhận!

 Lịch sử đã chỉ rõ, để cho cuộc cách mạng thành công, lực lượng lãnh đạo cách mạng phải dự báo đúng tình hình, tình thế… chủ động tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ. Chọn đúng thời cơ là 1 khoa học và 1 nghệ thuật. Nếu chọn đúng thời cơ thì động lực sẽ tăng lên gấp bội - 1 ngày bằng vài chục năm! Ngược lại, nếu tiến hành khi thời cơ chưa chín muồi, sẽ gây tổn thất khôn lường. Còn để thời cơ trôi qua thì sẽ mất đi thế chủ động…

Thực tế, khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra, trên toàn lãnh thổ Việt Nam không hề tồn tại khoảng trống quyền lực nào cả. Mặc dù trên đà thất trận, nhưng ở Đông Dương, Nhật đang có khoảng 100.000 quân với vũ khí rất hiện đại. Hơn thế nữa, họ không thể nào “buông bỏ”, tạo “khoảng trống” cho bất cứ ai! Bên cạnh đó, chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim vẫn đang tồn tại... Ngoài ra, còn nhiều tổ chức chính trị, đảng phái “thâm niên” khác cũng nhìn thấy thời cơ, ráo riết hành động. Nhà báo Mỹ Lady Borton phát biểu: “Khi Nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền, các lực lượng chính trị và quân sự tại đây vẫn còn nguyên và tiếp tục những cố gắng của mình”.

Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú phải thúc đẩy cho thời cơ đến mau”. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (năm 1930) chỉ rõ mục tiêu: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến/ Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Năm 1939, Chiến tranh thế giới lần II bùng nổ. Tháng 9/1940, phát xít Nhật nhảy vào chiếm đóng Đông Dương. Lúc này, vẫn đang còn ở nước ngoài, Bác đưa ra dự báo: “Đồng minh sẽ thắng. Nhật, Pháp ở Đông Dương không chóng thì chầy sẽ bắn nhau. Việt Nam sẽ giành được độc lập”.

Năm 1941, sau khi về nước, Bác cùng với Trung ương hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho Tổng khởi nghĩa; luôn luôn xác định: “Thời cơ không phải tự nó đến, một phần lớn do ta sửa soạn nó, thúc đẩy nó”. Hội nghị Trung ương 8 nhìn thấy thời cơ lớn: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “Về sửa soạn khởi nghĩa”. Tháng 10/1944, Trung ương Đảng ra lời kêu gọi “Sắm vũ khí đuổi thù chung”…

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Đảng liền có chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng. Bác Hồ chỉ đạo: “Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp và quyết định thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nghị quyết Đại hội nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nền hoàn toàn độc lập”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Cả nước nhất tề vùng lên, Tổng khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi. Nhà sử học Pháp là Alain Ruscio khẳng định: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính logic trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám góp phần đưa nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).

TRUNG THÀNH