Tưới nước tiết kiệm mùa khô

30/03/2021 - 03:51

 - Việc áp dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm của bà con nông dân ở một số địa phương đã và đang góp phần giải quyết bài toán thiếu nước tưới trong mùa khô. Ngoài ra, mô hình này còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí canh tác, nhân công lao động, giúp cây trồng hấp thụ đầy đủ nước tưới, năng suất và chất lượng cây trồng được nâng cao.

Tưới nước tiết kiệm mùa khô

Tiết kiệm chi phí, công sức

Hiện nay, tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh An Giang. Để tránh rơi vào tình trạng mất mùa, nhiều hộ nông dân tìm cách thích ứng với tình hình thời tiết khắc nghiệt, bước đầu mang lại hiệu quả trong sản xuất. Trong đó việc đầu tư, xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm được nhiều nông dân áp dụng, qua đó khắc phục tình trạng thiếu nước tưới, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa khô hạn.

Đến thăm vườn nhãn Ido kết hợp cây mít Thái và sầu riêng của gia đình cô Trương Thị Diệu (xã Tân An, TX. Tân Châu, An Giang), mặc dù trong thời điểm nắng nóng nhưng cây vẫn phát triển xanh tốt. Có được kết quả trên, ngoài việc áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, cô Diệu còn áp dụng công nghệ tưới phun mưa tự động cho vườn nhãn của mình.

Theo cô Diệu, áp dụng công nghệ này giúp gia đình cô tiết kiệm công sức, thời gian, việc tưới nước dễ dàng và thuận tiện hơn. “Tưới tự động dạng phun mưa sẽ giúp nước rải đều toàn bộ diện tích vườn cây, giúp rễ cây tiếp xúc ổn định với nguồn nước tưới, hiệu quả có thể cao hơn 3-4 lần so với tưới bằng vòi thông thường” - cô Diệu chia sẻ.

Ngoài biện pháp tưới phun mưa tự động, nông dân còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên các loại cây ăn trái. Phương pháp này không đòi hỏi yêu cầu cao về mặt kỹ thuật nhưng hiệu quả mang lại rất khả quan. Đang áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên vườn sầu riêng rộng 10ha, ông Võ Văn Em (nông dân xã Long Kiến, Chợ Mới) cho biết, nếu so sánh chi phí sản xuất và nhân công lao động từ đầu vụ đến lúc thu hoạch thì cây trồng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp giảm khoảng 50% so với canh tác thông thường. Ngoài ra, thời gian tưới sẽ nhanh hơn, không mất nhiều công sức mà nước vẫn đảm bảo nhu cầu lấy nước của cây trồng.

Nâng cao chất lượng cây trồng

So với phương pháp truyền thống, các biện pháp tưới nước tiết kiệm dù khá tốn chi phí đầu tư ban đầu, nhưng nếu tính bình quân cho toàn vụ sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp giảm công sức trong việc tưới tiêu, đặc biệt năng suất và chất lượng cây trồng sẽ được tăng cao.

Theo đó, các nhà khoa học áp dụng phương pháp tưới thông thường sẽ tạo 1 lớp hồ trên đất. Lớp hồ này ngăn cản rễ hấp thụ không khí nên cây sinh trưởng và phát triển yếu, dịch bệnh sẽ dễ dàng tấn công, chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón cây trồng sẽ tăng. Áp dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm giúp quá trình thẩm thấu nước diễn ra từ từ, cây trồng dễ dàng hấp thụ nguồn nước nên sinh trưởng và phát triển tốt.

Ngoài ra, khi tưới theo phương pháp truyền thống dễ gây xói mòn đất. Nguyên nhân do tưới một lúc quá nhiều nước, hoặc nước ngấm không kịp tạo thành dòng chảy mặt, hoặc đất ngấm quá lớn, đưa nước và chất hữu cơ xuống sâu khỏi tầng rễ cây. Sử dụng phương pháp tưới phun giúp hạn chế xói mòn lớp đất mặt, chất hữu cơ không bị rửa trôi, từ đó hạn chế lượng phân, thuốc hóa học nên bảo vệ được môi trường sinh thái, cây trồng phát triển và thích nghi tốt với thời tiết khô hạn kéo dài…

Trong điều kiện khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, mực nước tại các ao, hồ, sông, suối liên tục bị sụt giảm, khiến nhiều diện tích cây trồng đứng trước nguy cơ thất thu vì thiếu nước tưới. Do đó, việc bà con nông dân chủ động đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động là giải pháp hết sức hữu ích, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế những thiệt hại do hạn hán xảy ra.

Tuy nhiên, việc áp dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm của nông dân trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chi phí đầu tư, xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm lớn, trong khi kinh tế người dân còn khó khăn. Do đó, nông dân rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng để có thể tiếp cận với các phương pháp tưới nước tiết kiệm này.

ĐỨC TOÀN