TX. Tân Châu cơ cấu lại sản xuất gắn với thị trường

04/09/2024 - 02:15

 - TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) đang cơ cấu lại sản xuất theo hướng gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, thích ứng biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Mô hình ươm cây giống trong nhà lưới, nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ngày càng khấm khá

Đẩy mạnh chuyển dịch

Thị xã đạt chuẩn đô thị loại III vào tháng 11/2019, tuy nhiên, đến nay nông nghiệp vẫn là “mặt trận hàng đầu”, “trụ đỡ của nền kinh tế”. Lĩnh vực nông nghiệp, thị xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thay cây trồng cũ (hiệu quả thấp) bằng cây trồng mới (hiệu quả cao); thay vật nuôi truyền thống bằng vật nuôi thị trường cần mua, có đầu ra ổn định.

 “Trước đây, cánh đồng này chỉ trồng lúa 1 vụ, nay đã tăng lên 2 vụ, rồi 3 vụ. Ngoài cây lúa chất lượng cao, thị xã quy hoạch thêm vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái. Nhờ đó, đời sống nông dân ngày càng phát triển” - ông Trần Văn Bé (xã Vĩnh Xương) chia sẻ.

Ông là một trong những nông dân đi đầu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi (chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài keo xuất khẩu). Vườn xoài của ông trên 2ha, cho doanh thu mỗi năm gần 1 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực thủy sản, nông dân chuyển đổi mô hình nuôi cá lóc, cá rô sang nuôi cá tra xuất khẩu và các mặt hàng cá chợ (cá he, chạch lấu, cá chình, cá hú, mè hôi) để bán xuất khẩu. “Từ khi Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, đời sống nông dân vùng này khấm khá hẳn lên. Phần lớn diện tích sản xuất đều có liên kết trong tiêu thụ, nhờ đó mà đầu ra luôn ổn định, bà con an tâm…” - bà Nguyễn Thị Lan (xã Phú Lộc) vui mừng.

Chuyển dịch cây trồng, vật nuôi giúp nâng doanh thu sản xuất từ 100 triệu đồng/ha/năm (năm 2000) lên gần 200 triệu đồng/ha/năm (năm 2020). Nay con số này còn cao hơn nữa, tùy thuộc vào loại cây trồng, vật nuôi.

Ứng dụng công nghệ cao

Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Võ Thị Loan cho biết, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, đất trồng lúa còn 9.950 ha/12.640ha. Diện tích trồng màu từ vài trăm héc-ta, nay tăng lên 1.290ha, diện tích trồng cây ăn trái nay lên đến nay 1.400ha.

“Thị xã đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích đất lúa một cách hợp lý, đẩy mạnh phát triển rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản. Trên lĩnh vực chăn nuôi, khuyến khích nông dân chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững…” - bà Loan chia sẻ thêm.

Trên diện tích đất sản xuất 12.640ha, thị xã quy hoạch 8 tiểu vùng với chu kỳ sản xuất 3 vụ/năm. Từng tiểu vùng, nông dân thảo luận cùng chính quyền địa phương, chọn cây trồng phù hợp. Địa phương ứng dụng khoa học - công nghệ để giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng công nghệ mang tính ưu việt: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, nhà màng, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa… Thị xã đã triển khai, hỗ trợ 68 mô hình phát triển sản xuất, tổng số tiền 6,1 tỷ đồng. Những mô hình này giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

“Biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều thách thức cho nông nghiệp (thời tiết cực đoan, nước biển dâng cao) cùng sự thay đổi của mùa vụ, dịch bệnh và sâu hại mới xuất hiện… Đối phó với những thách thức này, bà con phải thích ứng, tập trung chọn giống cây trồng và vật nuôi thích hợp, quản lý nước hiệu quả; cải thiện chất lượng đất, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến cùng đa dạng hóa sản xuất… để thích ứng với biến đổi khí hậu” - ông Bé chia sẻ thêm kinh nghiệm bản thân.

TX. Tân Châu cơ cấu lại sản xuất theo hướng gắn với thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giúp sản xuất của nông dân ngày một hiệu quả hơn. Thu nhập bình quân trên đầu người của thị xã nâng lên đáng kể, đến nay đạt gần 80 triệu đồng/người/năm, góp phần hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng trong đời sống xã hội.

MINH HIỂN