Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp huyện cù lao

26/12/2023 - 07:44

 - Là địa bàn thuần nông, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao được lãnh đạo huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền. Gắn với chủ trương chuyển đổi cây trồng và xây dựng nông thôn mới, huyện tranh thủ các nguồn hỗ trợ giúp nông dân đổi mới sản xuất, tăng giá trị cho sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Cà chua bi trồng xen vụ dưa lưới trong nhà màng

Năm nay, Tổ hợp tác (THT) trồng đậu nành rau xã Phú Xuân được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ giống, phân hữu cơ để sản xuất theo hợp đồng bao tiêu. Nguồn tiếp sức này đến đúng lúc, đúng tâm tư bà con đang mong đợi. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, còn vì mục đích giữ đất lâu dài, đảm bảo chất lượng cho đất trồng. Trước năm 2016, phần lớn nông dân ở đây trồng lúa, nếp, kinh tế bấp bênh.

Sau khi chuyển đổi sang trồng đậu nành rau, thấy được hiệu quả rõ rệt, thành viên tham gia ngày càng đông. Hiện, tổng diện tích sản xuất đã tăng lên 45ha, có 15 hộ thành viên. Đậu nành rau được Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) bao tiêu toàn bộ. Mỗi năm, nông dân sản xuất 2 vụ đậu nành rau, xen canh 1 vụ trồng bắp ngọt. Những năm không xả lũ, có thể tăng sản xuất 5 vụ liên tiếp.

Chưa đầy 1 tháng nữa, nông dân trồng đậu nành rau sẽ rộn rã vào mùa thu hoạch. Vụ đông xuân này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân hỗ trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ tưới nước và phân bón trên diện tích 1ha. Chi phí hệ thống 400 triệu đồng, trong đó ngành nông nghiệp hỗ trợ 50%, còn lại do hộ dân đối ứng.

“Chúng tôi tiết kiệm được nhân công và nhiên liệu xăng khoảng 1,4 triệu đồng/vụ. Thời gian sinh trưởng của đậu nành rau khoảng 68 ngày. Nhờ pha phân bón vào nước tưới, cây hấp thụ nhanh hơn, giảm thất thoát, phát triển tốt hơn” - Tổ trưởng THT sản xuất đậu nành rau xã Phú Xuân Nguyễn Minh Cảnh cho biết.

Bình Thạnh Đông là một trong số địa phương tiên phong trồng dưa lưới trong nhà màng ở “xứ nếp”. Những hộ thành công đã thành lập THT. Đến nay, dưa lưới được thu mua theo hợp đồng, có đầu ra thuận lợi. Không chủ quan chờ đến lúc “hết thời”, hiện nay THT có thêm sản phẩm cà chua bi ra mắt thị trường.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị (thành viên tổ) cho biết, mô hình trồng trọt trong nhà lưới hiện rất phổ biến trong tỉnh. Hiện nay, mặt hàng này không còn sức cạnh tranh trên thị trường, do có thể trồng ngoài ruộng với chi phí sản xuất thấp, năng suất tương đối cao và giá thành rẻ. Ý tưởng trồng cà chua bi luân canh dưa lưới trong nhà màng là hướng đi mới để đa dạng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế hơn.

Ngoài lợi thế trồng trong nhà màng tránh mưa, khả năng hấp thụ ánh sáng tốt và lưới hạn chế côn trùng, mô hình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, đảm bảo cho cây trồng được ổn định, năng suất cao. Nhà lưới còn sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời, duy trì hệ thống tưới, thông gió để giữ nhiệt độ tốt nhất cho cây trồng. Trên 1.000m2, khoảng 2.000 chậu cà chua bi (Idolini, Maggino, Gourami, Nova và Pareso) được trồng trên các giá thể khác nhau.

Loại trái cây này có độ dinh dưỡng cao hơn cà chua thông thường, sau 70 ngày phát triển đã cho trái thu hoạch liên tục. Bình quân mỗi ngày chị Trinh Chị đều hái từ 10 - 20kg bán lẻ. Hướng đi lâu dài của THT là tìm được nguồn bao tiêu ổn định, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đạt chuẩn Vietgap, cung cấp cho thị trường thêm loại trái cây mới, đảm bảo an toàn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Tuyến cho biết, năm 2023, trên địa bàn huyện xây dựng mới 3 nhà màng, nâng tổng số hiện có 12 nhà màng sản xuất theo hướng công nghệ cao. Trong đó, chủ lực là trồng dưa lưới và nhân giống rau màu. Bên cạnh đó, 23 nhà kính trồng nấm rơm và nấm bào ngư, tổng diện tích hơn 2.100m2.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 38 mô hình được hỗ trợ 2,8 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ cho 161 mô hình, gồm 115 mô hình trồng trọt, 46 mô hình chăn nuôi, tổng kinh phí 11,4 tỷ đồng.

Định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên địa bàn huyện được gắn với Chương trình OCOP, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt ở địa phương có vùng chuyên canh được đầu tư. Theo chủ trương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi của tỉnh, 5 năm nay, huyện Phú Tân đầu tư 3/6 vùng chuyên canh, vận hành thử và đưa vào khai thác. Các vùng chuyển đổi tăng dần diện tích tưới phun, tưới nhỏ giọt, cấp mã số vùng trồng, đầu tư đường cộ, nâng cấp cống, đường dây trung thế, trạm bơm điện… Ngoài ra, huyện còn thực hiện dự án hệ thống hạ tầng giao thông thủy lợi phục vụ chuyên canh rau, màu ứng dụng công nghệ cao vùng Lòng Hồ - Tân Trung, tổng nguồn vốn 12,4 tỷ đồng, đã nghiệm thu vận hành 3/4 hạng mục.

Là huyện thuần nông, Phú Tân xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những hướng trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với công tác tuyên truyền, gợi mở cho người dân, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả. Đồng thời, tận dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ mô hình triển vọng, hiệu quả kinh tế ổn định để tiếp tục đổi mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

MỸ HẠNH