Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

02/11/2020 - 06:28

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là công nghệ giống và kỹ thuật canh tác đã mang đến những kết quả rất tích cực trong việc cải thiện năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó không chỉ nâng cao đời sống người nông dân, mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Thời gian qua, việc sản xuất thâm canh tăng vụ đã giúp gia tăng sản lượng nông sản vượt bậc, tuy nhiên việc này đã nổi lên một số vấn đề bất lợi như: sự mất dần nguồn gen quý hiếm của các giống cây trồng bản địa, vấn đề ô nhiễm thuốc và hóa chất nông nghiệp không những trong đất canh tác, nguồn nước mặt cho sinh hoạt và nguồn nước ngầm mà còn trong nông sản.

Ngoài ra, sự ô nhiễm môi trường đã phá vỡ sự cân bằng sinh thái ở trong và xung quanh vùng sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là sự bạc màu và suy thoái đất có nguy cơ gia tăng nếu không có biện pháp quản lý phù hợp và điều này dẫn đến năng suất cây trồng giảm rõ rệt… Vì thế, việc áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sinh học trong nông dân, nông trại, công ty và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cần thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khảo sát mô hình trồng xoài ở huyện Tri Tôn

Vừa qua, nhóm chuyên gia Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh và Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức chuyến khảo sát và tham quan thực tế các mô hình canh tác áp dụng thành công kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất cũng như các địa điểm, cơ sở sản xuất còn gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, để đưa ra các giải pháp phù hợp; đề xuất nâng cao việc ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, sinh học và vi sinh trong quản lý, cải tạo đất hướng đến phát triển nông nghiệp sạch và hữu cơ cho phát triển nông nghiệp bền vững, tại 3 huyện: Châu Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên.

Là địa phương có thuận lợi phát triển nông nghiệp, thời gian qua, huyện Châu Phú tập trung chuyển đổi nhằm đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, các nông sản tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, gồm: sen, sầu riêng, cam, nhãn xuồng, măng tây, rau màu các loại…Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng, huyện Tịnh Biên có lợi thế với nhiều loại đặc sản tiềm năng phát triển nông nghiệp và du lịch gắn liền với địa danh núi Cấm, như: su su, cây chúc, măng Mạnh Tông, bơ, sầu riêng, quýt hồng và quýt đường… được sản xuất theo hướng sinh học và an toàn.

Trong khi đó, huyện Tri Tôn đã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nước tưới, điều kiện canh tác của địa phương. Ngoài ra, huyện đã và đang xây dựng các mô hình trồng chuối Nam Mỹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đối với vùng đất bạc màu trên núi, huyện đang có hợp tác xã trồng xoài cát Hòa Lộc theo hướng VietGap. Ngoài ra, nông dân đang thực hiện mô hình trồng cam sành và quýt trên nền đất phèn ở khu vực này.

Bên cạnh những thuận lợi, các địa phương vẫn còn một số tồn tại và khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, như: đa số nông dân có thói quen sử dụng chủ yếu phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, rất ít sử dụng phân bón hữu cơ và vi sinh vì cho rằng, các sản phẩm này có hiệu lực chậm và kém hiệu quả hơn so với phân hóa học. Thêm vào đó, nguồn phụ phế phẩm sau thu hoạch ở các vùng canh tác rất lớn, các nguồn phụ phế phẩm này chứa rất nhiều dinh dưỡng cho cây trồng, nhưng vẫn chưa được tận dụng để làm chế phẩm sinh học hoặc phân hữu cơ vi sinh dùng để bón cho đất và cây trồng…

Để phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp bền vững, ngành khoa học - công nghệ phối hợp chặt chẽ ngành nông nghiệp tăng cường tập huấn các biện pháp cải tạo đất, việc bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, vi sinh và chế phẩm sinh học trong canh tác nông nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, vi sinh và chế phẩm sinh học dưới quy mô nông hộ có nguồn gốc bản địa, sử dụng các vật liệu sẵn có của địa phương và tận dụng nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp, như: rác rau, củ, quả…

Ngoài ra, khuyến khích nông dân sử dụng các chế phẩm vi sinh hoặc sinh học đã có trên thị trường, thay thế dần thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong phòng trị côn trùng và bệnh hại trên cây trồng để hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng nông sản.

L.H